Với tốc độ xử lý lên tới 200.000 giao dịch mỗi giây và khả năng thay thế hàng chục triệu việc làm toàn cầu, Blockchain và AI đang trở thành hai “trụ cột” công nghệ quan trọng nhất định hình lại toàn bộ hoạt động của ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số. Nhưng điều các ngân hàng cần chú ý hơn cả không còn là quy mô, mà là hiệu suất, đặc biệt là lợi nhuận trên mỗi nhân viên.
Ngày 16/7/2025, tại Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ với chủ đề “Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực”, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đã có bài tham luận chuyên đề: “AI & Blockchain: Thay đổi căn bản nhân lực ngành ngân hàng”.
Diễn đàn được chủ trì bởi ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Trần Văn Tùng, Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng biên tập Tạp chí Một Thế Giới; cùng sự tham dự của nhiều chuyên gia từ các ngân hàng thương mại, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp công nghệ, tổ chức quốc tế.
Từ quy mô vật lý đến hiệu suất số: Chuyển dịch quan trọng của ngành ngân hàng

Mở đầu bài tham luận, ông Trung khẳng định, ngành ngân hàng đang dịch chuyển rõ rệt từ mô hình vận hành dựa trên quy mô vật lý sang mô hình tối ưu theo hiệu suất số. Nếu trước đây, tổng tài sản, số lượng chi nhánh hay lượng khách hàng là những tiêu chí hàng đầu để đo lường hiệu quả, thì nay, trong thời đại số, thước đo cần được điều chỉnh: lợi nhuận trên mỗi nhân viên chính là chỉ số trung thực nhất phản ánh hiệu quả chuyển đổi.
Minh chứng rõ ràng nhất là ngân hàng số WeBank, chỉ từ 1.000 – 2.000 nhân sự nhưng đạt 1,27 triệu USD lợi nhuận mỗi nhân viên mỗi năm. Trong khi đó, ICBC, ngân hàng lớn nhất Trung Quốc với hơn 400.000 nhân viên, chỉ đạt 115.000 USD/người/năm. Theo ông Trung, khoảng cách không nằm ở số lượng con người mà nằm ở cách tổ chức vận hành dựa trên công nghệ, đặc biệt là AI và blockchain.
Hiệu suất của WeBank càng trở nên nổi bật khi đặt cạnh chuẩn mực toàn cầu trong ngành ngân hàng. Theo thống kê, mức lợi nhuận trung bình trên mỗi nhân viên của ngành ngân hàng thế giới hiện vào khoảng 172.000 USD/năm. Những ngân hàng xuất sắc thuộc nhóm top-tier như UBS hay JPMorgan thường vượt ngưỡng 200.000 USD, trong khi nhóm ngân hàng hàng đầu khác dao động từ 150.000–200.000 USD. Ngay cả các ngân hàng quy mô lớn nhưng vận hành theo mô hình truyền thống cũng duy trì hiệu suất trong khoảng 90.000–150.000 USD/năm.
So với đó, hiệu suất của ngành ngân hàng Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa. Bình quân, lợi nhuận trên mỗi nhân viên của các ngân hàng trong nước chỉ đạt khoảng 40.000 USD/năm. Một số tổ chức tiên phong trong số hóa như Techcombank đã nâng được con số này lên khoảng 60.000 USD, nhưng vẫn chưa bằng một nửa mức chuẩn toàn cầu – và còn cách rất xa mốc hiệu suất 1,27 triệu USD mà WeBank đang đạt được.
So sánh này cho thấy rõ: chuyển đổi số không thể chỉ dừng ở đầu tư công nghệ hay mở app trên điện thoại, mà phải dẫn đến thay đổi cốt lõi trong mô hình vận hành và năng suất lao động. Lợi nhuận trên mỗi nhân viên chính là “chỉ số sinh tồn” mà các ngân hàng cần theo đuổi nếu muốn cạnh tranh trên một thị trường tài chính đang toàn cầu hóa, số hóa và tối ưu từng giây vận hành.
AI & Blockchain: Không chỉ là công nghệ, mà là cấu trúc vận hành mới
Theo ông Trung, AI và Blockchain không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà chính là nền móng để tái cấu trúc toàn bộ bộ máy ngân hàng. AI đóng vai trò như “bộ não” giúp tự động chấm điểm tín dụng, phát hiện gian lận, và ra quyết định nhanh chóng dựa trên dữ liệu lớn. Trong khi đó, blockchain chính là “hệ thần kinh”, đảm bảo sự minh bạch, đồng bộ và khả năng hoạt động liên tục 24/7, đặc biệt trong các giao dịch xuyên biên giới.
Cũng chính nhờ hai công nghệ này, WeBank đã tự động hóa gần như toàn bộ quy trình vận hành: phê duyệt khoản vay cho doanh nghiệp chỉ mất 15 phút, còn khách hàng cá nhân chỉ mất 5 giây. Nền tảng FISCO BCOS – blockchain mã nguồn mở do họ phát triển, có thể xử lý tới 200.000 giao dịch mỗi giây, vượt trội so với những nền tảng như Hyperledger Fabric của IBM. Nhờ đó, chi phí IT trên mỗi tài khoản tại WeBank chỉ rơi vào khoảng 0,3 USD/năm – một con số mà ngân hàng truyền thống khó chạm tới.
Không chỉ tại Trung Quốc, làn sóng ứng dụng AI và blockchain cũng đang lan rộng mạnh mẽ trong hệ thống tài chính toàn cầu, trở thành “hệ trục” vận hành mới tại nhiều tổ chức lớn. Tại Mỹ, Kinexys, công ty con của J.P. Morgan với chỉ 275 nhân sự (trong đó 80% là kỹ sư công nghệ) đã đạt hiệu suất ấn tượng: chuyển tiền quốc tế chỉ trong 4 giây với chi phí 0,5 USD, đồng thời tích hợp hệ thống AI phát hiện gian lận nhanh gấp 300 lần so với quy trình truyền thống.
Trong khi đó, HSBC – một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới đang ứng dụng AI vào hệ thống phòng chống rửa tiền (AML), xử lý tới 1,2 tỷ giao dịch mỗi tháng mà không cần gia tăng nhân lực.
Tại châu Á, UOB Singapore triển khai AI trong xử lý giao dịch đầu tư, giúp rút ngắn thời gian xử lý từ 48 giờ xuống chỉ còn 2 giờ, minh chứng rõ ràng cho năng lực tăng tốc vận hành theo cấp số nhân. Những ví dụ này cho thấy: AI và blockchain không chỉ là những công cụ công nghệ, mà đang dần trở thành cấu trúc lõi trong vận hành ngân hàng hiện đại, đưa hiệu suất lên một tầm cao hoàn toàn mới.
Nếu không có chính sách phù hợp, nhân lực công nghệ sẽ rút khỏi Việt Nam

Dù tiềm năng công nghệ là rõ ràng, nhưng ông Trung cũng thẳng thắn chỉ ra rào cản lớn nhất khiến ngành ngân hàng chưa chuyển mình mạnh mẽ – đó là sự chậm trễ trong ban hành khung pháp lý liên quan đến blockchain và tài sản số. Việt Nam hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho tài sản số, thanh toán xuyên biên giới bằng blockchain, hay vận hành sàn giao dịch số hóa. Điều này khiến các doanh nghiệp blockchain buộc phải “di cư pháp lý” sang Singapore, BVI, Dubai… để tiếp cận vốn quốc tế và mở rộng hoạt động.
“Nếu không có bước đi kịp thời, thị trường blockchain Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển và khoảng 90–95% nhân lực blockchain tại Việt Nam sẽ phải tìm kiếm những vùng đất mới,” ông Trung cảnh báo. Trong bối cảnh Việt Nam đang nằm trong danh sách xám của FATF, các dòng vốn đổi mới sáng tạo cũng gặp nhiều trở ngại hơn, còn ngân hàng thì e dè tiếp cận công nghệ mới vì lo ngại pháp lý không rõ ràng.
Từ đó, ông Trung đề xuất 3 giải pháp mang tính nền tảng. Thứ nhất, ban hành khung pháp lý FinTech toàn diện, bao gồm AI, blockchain và tài sản số để khơi thông thị trường. Thứ hai, đưa các môn học về blockchain và AI trở thành tín chỉ bắt buộc tại các trường đại học khối tài chính, công nghệ. Thứ ba, xây dựng mô hình đào tạo ba bên giữa ngân hàng – doanh nghiệp công nghệ – cơ sở giáo dục để tái đào tạo nguồn nhân lực truyền thống sang các vị trí như kỹ sư dữ liệu, chuyên viên AI, quản lý vận hành hệ thống blockchain.
“Công nghệ không phải là đích đến. Hiệu suất mới là mục tiêu. Và lợi nhuận trên mỗi nhân viên chính là chỉ số để ngành ngân hàng tự soi mình trong hành trình chuyển đổi số,” ông Trung kết luận.