Ngày 31/10, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức hội thảo “Ứng dụng các giải pháp Blockchain trong công tác quản lý nhà nước” nhằm thúc đẩy triển khai chuyển đối sổ, bao gồm việc chuyển đổi số trong các tác vụ hằng ngày của cơ quan chức năng cũng như nâng cao hiệu quả xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thông qua việc lấy ý kiến đóng góp từ cán bộ công chức và người dân.
Ông Lê Thanh Minh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết công nghệ blockchain đang được Thành phố ưu tiên nghiên cứu như là một phần trong công cuộc chuyển đổi số, đặc biệt là giải pháp blockchain áp dụng vào xây dựng nền tảng tổng hợp, thu thập và quản lý góp ý văn bản.
Theo yêu cầu của Thành phố, hệ thống phần mềm lấy ý kiến xây dựng văn bản cần hoạt động trên đa nền tảng, đa thiết bị. Trong đó, mỗi cá nhân khi lấy ý kiến ở các cơ quan ban ngành cơ bản sẽ được cấp một chứng nhận, trong đó ghi rõ: kết quả lấy ý kiến, chi tiết quy trình thực hiện lấy ý kiến, đơn vị thực hiện cũng như thời gian tương ứng. Thành phố đề xuất áp dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) để đảm bảo độ tin cậy của dữ liệu, giúp giảm thiểu công sức trong quá trình ghi nhận, tổng hợp ý kiến góp ý và tăng độ chính xác khi xác minh thông tin lấy ý kiến của mỗi văn bản.
Ông Trần Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ bài học kinh nghiệm của các quốc gia đã ứng dụng blockchain vào xây dựng chính phủ số
Tham gia hội thảo với vai trò chuyên gia, góp ý cho quá trình xây dựng hệ thống này cho TPHCM, ông Trần Dinh – Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ bài học kinh nghiệm của các quốc gia đã ứng dụng blockchain vào xây dựng chính phủ số, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, các cấp lãnh đạo.
Đáng chú là bài học kinh nghiệm từ Estonia, một quốc gia Bắc Âu chỉ có khoảng 1,3 triệu dân nhưng GDP đạt hơn 38 tỷ USD vào năm 2022. Estonia luôn nằm trong nhóm quốc gia đạt Chỉ số Trưởng thành GovTech (GovTech Maturity Index – GTMI) cao. GTMI là chỉ số đánh giá năng lực khu vực công của một quốc gia trong việc tận dụng công nghệ để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho công dân.
Theo công ty kiểm toán PwC, 99% dịch vụ công được cung cấp cho người dân Estonia dưới dạng dịch vụ điện tử. Tất cả các hoạt động liên quan đến nhà nước – ngoại trừ hôn nhân, ly hôn và giao dịch bất động sản – đều có thể được thực hiện trên nền tảng số.
Đối với việc chia sẻ dữ liệu giữa khu vực công và tư nhân, Estonia sử dụng nền tảng X-Road. Đây là hệ sinh thái nguồn mở cung cấp khả năng trao đổi dữ liệu thống nhất và an toàn, là xương sống của e-Estonia, cho phép các hệ thống thông tin dịch vụ điện tử khu vực công và tư nhân của quốc gia liên kết, hoạt động hài hòa.
Đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhấn mạnh việc xác định tính phù hợp khi ứng dụng blockchain vào từng trường hợp cụ thể. “Việc duy trì một hệ thống blockchain sẽ rất tốn kém cả về nhân lực lẫn chi phí, do đó cần có thêm nhiều buổi thảo luận, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển các nhóm ngành GovTech, RegTech và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan nhà nước trước khi kết luận blockchain có phù hợp với hệ thống lấy ý kiến mà Thành phố đang xây dựng hay không”, ông Trần Dinh nhấn mạnh.
Ông Lý Minh Tuân – Trưởng phòng Công nghệ Thông tin Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM ghi nhận những ý kiến đóng góp từ phía Hiệp hội Blockchain Việt Nam và cho biết nền tảng X-Road của Estonia cũng là mô hình từng được tham khảo và nghiên cứu để triển khai kiến trúc liên thông giữa các tỉnh và Thành phố. Ông Tuân cũng đồng ý với quan điểm cần thêm nghiên cứu, thí điểm, áp dụng ở phạm vi hẹp để đánh giá tính khả thi và những rủi ro của hệ thống dựa trên blockchain và rất cần sự góp ý của các chuyên gia trong lĩnh vực này.