“Thuế Tài sản số là một dòng thuế mới, giàu tiềm năng nhờ khối lượng giao dịch lớn, dòng tiền mã hóa về Việt Nam lên tới 120 tỷ USD/năm. Việc ban hành chính sách kịp thời sẽ giúp Việt Nam nắm bắt cơ hội dẫn đầu xu thế mới và nhanh chóng thoát khỏi danh sách xám của FATF vào năm 2025.” Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain nhấn mạnh.
Ngày 29/8/2024, ông Phan Đức Trung, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chia sẻ về Xu hướng phát triển tài sản mã hóa tại Hội thảo “Quản lý nhà nước về tài sản mã hóa: Những vấn đề lý luận và thực tiễn tại Việt Nam”. Chương trình có sự tham dự của hơn 80 đại biểu là đến từ một số bộ, ngành Trung ương; đơn vị thuộc Bộ Tài chính; các trường đại học khối Kinh tế – tài chính; công ty về bảo mật blockchain; ngân hàng thương mại; nhà khoa học, chuyên gia kinh tế – tài chính trong và ngoài nước; tổ chức quốc tế…
Xu hướng ứng dụng Blockchain năm 2024
Ông Trung cho biết, theo báo cáo từ Triple – A (5/2024), dân số toàn cầu sở hữu tài sản mã hóa là 562 triệu người (6,8%) năm 2024, tăng 33% từ 420 triệu năm 2023. Tỷ suất lợi nhuận trung bình năm (CAGR) đạt 99% từ năm 2018 đến năm 2023, vượt xa tỷ lệ tăng trưởng của các phương thức thanh toán truyền thống, trung bình khoảng 8%, vượt qua nhiều công ty thanh toán lớn như American Express.
Việc Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) chấp thuận các quỹ Bitcoin và Ethereum ETF Spot cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc hợp pháp hóa tài sản mã hóa. Các quỹ này đã thu hút dòng tiền lên tới 360 tỷ USD (tính đến 15/8) vào thị trường. Dự báo đến năm 2030, toàn cầu sẽ có 16.000 tỷ USD tài sản truyền thống được mã hóa, chiếm 10% GDP. Đây là một con số đáng chú ý, cho thấy sự chấp nhận ngày càng rộng rãi của các tổ chức tài chính truyền thống đối với tài sản mã hóa.
Pháp lý tài sản mã hóa trên thế giới
Sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài sản mã hóa cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết, buộc các quốc gia phải nhanh chóng xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của ngành.
Theo báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) mới nhất vào tháng 7/2024, đã có 33/60 quốc gia (55%) hợp pháp tài sản mã hóa theo 4 tiêu chí: Thuế, Phòng chống rửa tiền/ Chống tài trợ khủng bố, Bảo vệ người dùng và Cấp phép các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP). Đặc biệt, trong số đó, có 12 quốc gia thuộc nhóm G20 (chiếm 57% GDP toàn cầu), bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu (EU) đã hợp pháp hóa loại tài sản này.
Chỉ có 17/60 quốc gia cấm một phần và 10 quốc gia cấm toàn bộ (bao gồm Nepal, Bangladesh, Tunisia, Trung Quốc, Bolivia, Egypt, Algeria, Morocco, Saudi Arabia, Pakistan).
Cũng theo Atlantic Council, số lượng quốc gia phát triển hoặc nghiên cứu triển khai Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) đã tăng mạnh, từ 35 quốc gia vào năm 2020 lên đến 134 quốc gia vào tháng 7/2024. Điều này phản ánh sự thay đổi nhanh chóng trong cách tiếp cận đối với tiền tệ số và Blockchain của các chính phủ trên toàn cầu.
Tại Mỹ, theo Dự luật FIT21 về Đổi mới Tài chính và Công nghệ thế kỉ 21, đã được Hạ viện nước này thông qua vào ngày 22/5/2024, các VASP phải đăng ký bắt buộc với Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) và SEC. Đồng thời, đảm bảo tách biệt quỹ khách hàng với quỹ công ty, tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về lưu giữ hồ sơ theo Đạo luật Bảo mật Ngân hàng, duy trì một lượng quỹ tạm dừng nhất định để trang trải các tình huống ngừng hoạt động.
Tại châu Âu, theo đạo luật MICA, được thông qua ngày 20/4/2024, có hiệu lực vào cuối 2024 quy định rõ ràng về quyền lợi của người dùng và trách nhiệm của các VASP trên quan điểm bảo vệ tối đa quyền lợi của người dân và buộc các nhà phát hành tiền mã hoá phải hành động một cách trung thực, công bằng và chuyên nghiệp, đặt lợi ích của người dùng lên hàng đầu.
Thị trường tài sản số Việt Nam đứng trước cơ hội dẫn đầu xu hướng toàn cầu
Về mặt pháp lý, Việt Nam hiện có 19 văn bản quy phạm pháp luật từ năm 2017 – 2024 nhằm điều chỉnh hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa và công nghệ Blockchain. Đặc biệt, đến năm 2025, dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số dự kiến sẽ được ban hành, đặt nền tảng cho việc quản lý và thu thuế tài sản mã hóa tại Việt Nam.
Theo ông Trung, Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về chỉ số chấp nhận tài sản mã hóa và đứng thứ 7 với 17,4% dân số sở hữu tài sản mã hóa, dòng tiền về Việt Nam lên tới 120 tỷ USD/năm, theo báo của Chainalysis. Vì vậy, đây là thị trường tiềm năng và cần sự quan tâm tương xứng từ các cơ quan quản lý.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực quản lý thuế, tài sản số là một dòng thuế mới, giàu tiềm năng nhờ khối lượng giao dịch lớn và khả năng tăng trưởng kép trong thời gian tới. Việc quản lý chặt chẽ thị trường này không chỉ giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước mà còn có thể hỗ trợ tích cực cho chiến lược Quốc gia về Phòng chống rửa tiền để đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách xám của FATF vào năm 2025.
Về khuyến nghị cụ thể, ông Phan Đức Trung cho rằng, ở giai đoạn đầu các cơ quan quản lý có thể áp mức thuế thu nhập cá nhân thấp dựa trên giao dịch, tương tự đánh thuế giao dịch chứng khoán thời kỳ đầu khoảng 0,1% để khuyến khích các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, ở thời điểm hiện tại, khi hành lang pháp lý chưa sẵn sàng, Việt Nam ghi nhận tình trạng nhiều đơn vị không rõ thông tin như CrossFi, Mineplex, ALEO,… đã tổ chức hội thảo kín, lợi dụng hình ảnh những người có uy tín để thu hút huy động vốn từ cộng đồng. Báo cáo từ người dùng cho thấy, họ bị lừa đảo thông qua việc gửi, nạp tiền lên các nền tảng sàn giao dịch, ví không rõ thông tin. Nhiều sàn giao dịch tập trung như Binance, Gate, BingX, MEXC,… tự ý tổ chức các hoạt động tiếp thị quảng bá dịch vụ tài sản mã hóa tràn lan không cần phép.
Để giải quyết các vấn đề này, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã hợp tác với các công ty Regtech (công nghệ hỗ trợ tuân thủ) hàng đầu thế giới nhằm trao đổi thông tin và hỗ trợ thu hồi tài sản cho người bị lừa đảo.
Kể từ khi được ra mắt vào tháng 5/2023, chương trình truy vết các dự án lừa đảo ChainTracer đã thực hiện hơn 50 báo cáo về nguy cơ lừa đảo, hỗ trợ thu hồi hơn 2 triệu USD giúp các nạn nhân trên nền tảng web3.