Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thăm và làm việc tại văn phòng Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Sáng ngày 23.9, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) có buổi làm việc với đại diện từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế để thảo luận về ba chủ đề gồm mục tiêu của Hiệp hội, quá trình phát triển khung pháp lý blockchain tại Việt Nam và các ứng dụng công nghệ blockchain vào thực tiễn ngành nghề.

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi nhiều nội dung quan trọng xung quanh các hoạt động phát triển hội viên cho VBA và tầm quan trọng của chính sách pháp lý blockchain không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết đang kết nối trực tiếp với Bộ, Ban, Ngành để tham gia ý kiến luật về thương mại điện tử, các tiêu chuẩn chống rửa tiền (AML) và đồng hành cùng nỗ lực của các cơ quan khác nhằm sớm hoàn chỉnh các đề xuất khung pháp lý cho công nghệ này. Mặt khác, IMF cũng đang có những nỗ lực nhất định để tìm hiểu và ứng dụng công nghệ này vào hoạt động Fintech và CBDC. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (tiếng Anh: International Monetary Fund, viết tắt IMF) là một tổ chức quốc tế giám sát hệ thống tài chính toàn cầu bằng cách theo dõi tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán, cũng như hỗ trợ kỹ thuật và giúp đỡ tài chính khi có yêu cầu. Trụ sở chính của IMF đặt ở Washington, D.C., thủ đô của Hoa Kỳ. IMF được mô tả như “Một tổ chức của 189 quốc gia”, làm việc nuôi dưỡng tập đoàn tiền tệ toàn cầu, thiết lập tài chính an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế, đẩy mạnh việc làm và tăng trưởng kinh tế cao, và giảm bớt đói nghèo. 

Đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam chụp cùng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)

Tham dự buổi làm việc tại Văn phòng Trụ sở Hồ Chí Minh của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đại diện Quỹ Tiền tế Quốc tế Hoa Kỳ có ông Jean Portier, Chuyên gia Tài chính cao cấp và Phân tích thị trường toàn cầu và bà Hà Thị Kim Nga, Cán bộ Kinh tế Cao cấp tại IMF Việt Nam; đại diện từ phía Hiệp hội có ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch thường trực, ông Nguyễn Đoan Hùng – Phó Chủ tịch, bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Ủy viên Ban thường vụ kiêm Trưởng ban Chính sách và Pháp lý và Đại diện các Ban chuyên trách của Hiệp hội Blockchain Việt Nam. 

Hành trình kết nối và nỗ lực khuyến nghị chính sách của Hiệp hội

Kể từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức các hoạt động gặp gỡ, kết nối và xây dựng mạng lưới chiến lược với hơn 80 đối tác chiến lược cùng hơn 30 đơn vị ký kết hợp tác chiến lược; bên cạnh đó là hơn 30 sự kiện với tư cách là Ban tổ chức, Đồng tổ chức, Bảo trợ truyền thông và Diễn giả tham luận giải pháp chính sách, ứng dụng công nghệ Blockchain. 

Chia sẻ đến đại diện IMF về tiến trình thực hiện các mục tiêu đặt ra từ lúc thành lập, ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch thường trực cho biết “Hiện mục tiêu hoạt động của Hiệp hội Blockchain Việt Nam đều hướng đến giáo dục và pháp lý. Cụ thể, Hiệp hội thường xuyên liên hệ với các cơ quan chính phủ bằng cách gửi các báo cáo, tham luận và khuyến nghị. Để phổ cập kiến thức blockchain ngay từ giảng đường, Hiệp hội đã ký kết hợp tác chiến lược với 10 trường Đại học Việt Nam và phối hợp cùng Alphabooks để phát hành Tủ sách blockchain”.  Đồng thời khẳng định một mục tiêu quan trọng tiếp theo là khuyến nghị Nhà nước ban hành các chính sách cho lĩnh vực kinh tế đang ứng dụng công nghệ blockchain để doanh nghiệp Việt có thể phát triển và hoạt động mà không cần phải khai sinh ở nước ngoài.

Những năm qua công nghệ blockchain phát triển rất nhanh tại Việt Nam. Trong thời kỳ Covid-19, ngành game blockchain tại Việt Nam phát triển mạnh, thu hút nhiều người tham gia. Giờ chúng tôi đang nỗ lực cùng các doanh nghiệp ứng dụng blockchain vào những lĩnh vực như tài chính, y tế, hậu cần… để phát triển kinh tế – xã hội”, Đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ.

Ông Phan Đức Trung chia sẻ về hành trình của Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Tại Việt Nam, hiện có một số doanh nghiệp ứng dụng blockchain như VPbank dùng blockchain cho phương thức thanh toán LC Techcombank dùng blockchain để phát hành chứng khoán, MK Group thực hiện e-KYC bằng blockchain, có tiềm năng ứng dụng trong Fintech sau này vì cơ quan quản lý Việt Nam đang quan tâm đến bảo mật. Cụ thể, blockchain sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Fintech trong mảng e-KYC, P2P, custody (lưu ký)… Nhiều ngân hàng đầu tư cả trăm triệu USD cho công nghệ, nhưng có thể tiết kiệm hơn nếu dùng blockchain.

Quỹ tiền tệ Quốc tế khuyến nghị Việt Nam sớm có khung pháp lý cho tài sản số

Hiệp hội Blockchain Việt Nam đặc biệt quan tâm đến Sắc lệnh hành pháp về tài sản số mà Tổng thống Joe Biden vừa thông qua vào tháng 3 năm nay và ngày 16.9 vừa qua. Ông Jean Portier cho biết: IMF đã xuất bản nhiều tài liệu xung quanh tiền mã hóa và ông khẳng định rằng “Mỗi quốc gia đều cần có khung pháp lý về tài sản số, ngay cả khi quốc gia đó không cho phép tài sản số”.

Hiện IMF chưa ứng dụng công nghệ blockchain vào quy trình vận hành mà đang tập trung vào tài chính truyền thống và chính sách để giải quyết vấn đề Fintech và CBDC. Với công nghệ blockchain, IMF kỳ vọng công nghệ này có thể giúp mọi ngân hàng có thể tham gia hệ thống của IMF và giải ngân qua các ngân hàng.

“Dưới cương vị là một trong những thành viên của IMF, Việt Nam được đánh giá là đất nước rất độc lập và không bị phụ thuộc. Do đó, IMF mong muốn có những bước kết nối với các doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam nhằm thúc đẩy nền kinh tế”, ông Jean khẳng định và kỳ vọng Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ giúp kết nối những hoạt động này.

Theo ông Trung, blockchain là lĩnh vực mới, cần sự phối hợp của nhiều Bộ, Ban, Ngành cùng với Ngân hàng Nhà nước nên việc ban hành khung pháp lý không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Việt Nam hiện đang dõi theo và tham khảo bộ luật về blockchain và tài sản kỹ thuật số từ các quốc gia trên thế giới.

Theo IMF, ứng dụng Blockchain vào các ngành nghề kinh tế là một hoạt động mới nên cần thúc đẩy việc tiêu chuẩn hóa và đồng bộ hoá dữ liệu. “Đối với tài sản số, các cơ quan quản lý quốc gia nên sớm đưa ra các quy tắc ứng xử và hành động để có chính sách chung trên toàn cầu; đồng thời, các quốc gia cũng cần có quy trình và tăng giám sát xuyên biên giới”, ông Jean Portier cho biết.