Hiệp hội Blockchain Việt Nam cùng Trường Đại học Ngoại thương thúc đẩy đào tạo nhân lực cho kinh tế số

Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng và điều này sẽ làm tăng năng suất, cũng như hiệu quả lao động. Do vậy mà kinh tế số đã và đang trở nên ngày một phổ biến và dường như là xu hướng tất yếu đối với bất cứ quốc gia nào nếu không muốn tụt lại phía sau. Thế nhưng để đạt được sự phát triển tối ưu thì cần có nguồn nhân lực kinh tế số có đủ năng lực để xây dựng và quản lý các mô hình sản xuất, kinh doanh trên nền tảng công nghệ tiên tiến, phát triển chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu; trong đó; bao gồm sự đóng góp không nhỏ của công nghệ Blockchain.

Hiểu được sự tất yếu này, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội đã phối hợp cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức lễ ký kết hợp tác. Trong khuôn khổ sự kiện là buổi tọa đàm về “Vai trò Blockchain trong phát triển Kinh tế số”, nhằm góp phần cung cấp thông tin tổng quan tới các đại biểu, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, doanh nghiệp, học viên, sinh viên về việc phát triển công nghệ blockchain.

IMG_2794.JPG

Trường ĐH Ngoại thương cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam góp phần thúc đẩy đào tạo nhân lực cho ngành blockchain 

Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội chia sẻ: “Trường ĐH Ngoại thương (FTU)  định hướng trở thành ngôi trường đổi mới sáng tạo. Đây là xu hướng tất yếu phù hợp với đặc điểm, truyền thống lịch sử và tương lai của trường, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi nhận thức rất rõ vai trò của kinh tế số, vai trò của blockchain, trong phát triển đại học, trong nghiên cứu và trong đào tạo. Sứ mệnh của  FTU là đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện những mục tiêu trên, chuẩn bị những hành trang và xây dựng các chương trình đào tạo…”. 

PGS. TS Bùi Anh Tuấn cho biết Trường ĐH Ngoại thương hiện giảng dạy các ngành khoa học xã hội nhưng đang có định hướng trở thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, cụ thể là mở ra các ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ, trong đó có các môn về khoa học dữ liệu, kinh tế số và Fintech.

Hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đưa ra chiến lược phát triển công nghệ số gắn với tăng trưởng kinh tế. Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Hiện, nền kinh tế số Việt Nam được dự báo sẽ đạt 52 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Xét về bản chất, kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, với các hoạt động kinh tế về và bằng công nghệ số và nền tảng số với các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud, Computing), chuỗi khối (Blockchain)…

Vì vậy, vấn đề xây dựng nền kinh tế số được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% GDP. Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia. 

Đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam, GS. TS Hoàng Văn Huây – Chủ tịch Hiệp hội khẳng định “Blockchain là cơ sở dữ liệu công khai mà không ai có thể thay đổi được về nội dung hay về lịch sử, có thể được ứng dụng vào thương mại quốc tế, các ngành kinh tế, kỹ thuật, thậm chí giáo dục đào tạo, quản lý tài nguyên, đất đai và quản lý nhân sự…

Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam nêu bật ba mục tiêu của buổi ký kết, đầu tiên là phối hợp đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến công nghệ blockchain và kinh tế số, xây dựng chương trình giảng dạy và tham khảo các môn học chuyên ngành và các môn học có liên quan đến công nghệ blockchain. Thứ hai là nguồn nhân lực ấy phải thực sự có chuyên môn, trình độ cao, biết cách ứng dụng những gì đã học vào phát triển kinh tế số. Thứ ba là hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng blockchain để phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam, nhất là trong thương mại quốc tế. 

Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết: “Trường ĐH Ngoại thương không chỉ phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam mà cùng rất nhiều các tổ chức, doanh nghiệp ở đây đồng hành để đạt được các mục tiêu chung xây dựng kinh tế số vững mạnh”.