Vụ việc liên quan đến bà Ngô, người được mệnh danh là “Madam Ngo”, bị bắt vì liên quan đến vụ lừa đảo tài sản mã hoá trị giá 300 triệu USD, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn trong thị trường này.
Đọc thêm: Những phân tích của ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam xoay quanh vụ bắt giữa “Madam Ngo” TẠI ĐÂY
7 mô hình lừa đảo phổ biến trong thị trường tài sản mã hoá
Theo số liệu từ Triple-A, năm 2024 có hơn 17 triệu người Việt Nam đang sở hữu tài sản mã hóa, chiếm gần 17% dân số. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng đi kèm một lỗ hổng lớn: phần lớn nhà đầu tư là người mới, tiếp cận thị trường thông qua mạng xã hội hoặc lời rỉ tai, không có nền tảng về công nghệ blockchain, pháp lý tài sản số hay các phương thức lừa đảo phổ biến hiện nay.

Ngô Thị Thêu, biệt danh “Madam Ngo” đã lừa đảo 300 triệu USD, trong đó có hơn 2.600 nạn nhân là người Việt Nam. Ảnh: Báo Bưu điện Bangkok, Thailand
“Trên thị trường tài sản mã hóa đang xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo tinh vi, kết hợp giữa yếu tố công nghệ và tâm lý, khiến không ít nhà đầu tư dù cẩn trọng vẫn dễ dàng rơi vào bẫy”, bà Nguyễn Vân Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhận định.
Trong khi đó, ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, một trong những chiêu trò phổ biến là việc tạo ra các token giả mạo, với tên gọi, logo gần giống với các tài sản mã hóa uy tín.
“Không ít nhà đầu tư vì sơ suất mà mua nhầm các loại token này. Bên cạnh đó, còn có hình thức “bẫy mật ngọt” (honey pot), trong đó token có thể mua vào nhưng bị khóa tính năng bán, khiến nhà đầu tư bị “kẹt vốn” ngay sau khi xuống tiền”, ông Dinh nói.
Một thủ đoạn khác mang tính kỹ thuật cao là rút thanh khoản (rug pull). Các dự án thường được quảng bá rầm rộ để thu hút người dùng mua token, sau đó đội ngũ phát triển bất ngờ rút toàn bộ tiền thanh khoản khỏi sàn phi tập trung. Kết quả là giá trị token sụp đổ chỉ sau một đêm, nhà đầu tư không kịp trở tay.
Hình thức tưởng chừng vô hại nhưng cực kỳ nguy hiểm là airdrop lừa đảo. Các token “miễn phí” bất ngờ xuất hiện trong ví có thể là bẫy kỹ thuật. Nếu người dùng tương tác, đưa ra yêu cầu hoặc truy cập các liên kết do bên phát hành cung cấp, họ có thể vô tình cấp quyền truy cập ví cho kẻ gian và mất toàn bộ tài sản có giá trị.

Bà Nguyễn Vân Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ về các vụ án và mô hình lừa đảo tại khoá học về tài sản mã hoá của Viện ABAII
Bên cạnh hình thức lừa đảo thiên về công nghệ như ông Dinh phân tích, bà Nguyễn Vân Hiền bổ sung thêm hình thức lừa đảo kết hợp tâm lý và công nghệ. Trong đó, không thể không nhắc đến mô hình Ponzi hoặc kim tự tháp, vốn đánh trúng tâm lý “muốn lãi nhanh, an toàn tuyệt đối”. Những dự án dạng này thường hứa hẹn mức sinh lời cao đến phi lý, dùng tiền của người tham gia sau để trả cho người trước. Khi dòng tiền đứt đoạn, không còn người mới thì đánh sập luôn hệ thống, khiến người tham gia mất trắng.
Ngoài ra, hình thức giả mạo thông tin (phishing) cũng đang gia tăng mạnh. Kẻ gian dựng website, email, tin nhắn có giao diện giống hệt các sàn giao dịch, ví điện tử uy tín để lừa người dùng nhập khoá riêng tư/khoá bí mật, cụm từ khôi phục ví hoặc mã OTP. Một khi thông tin bị đánh cắp, ví sẽ bị rút sạch mà chủ sở hữu không kịp phản ứng.
Một thủ đoạn khác là mạo danh người nổi tiếng hoặc các dự án lớn. Các đối tượng lừa đảo thường lập tài khoản mạng xã hội trông giống như những nhân vật có ảnh hưởng trong ngành để quảng bá “cơ hội đầu tư nội bộ”, “token tặng thưởng”, từ đó dẫn dụ người dùng gửi tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân.
Cuối cùng là chiêu bơm thổi giá (pump and dump) – một hình thức thao túng thị trường quen thuộc. Một nhóm nhà đầu cơ sẽ bí mật mua một token ít tên tuổi, sau đó tạo hiệu ứng lan truyền, đánh vào tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội). Khi giá bị đẩy lên cao, nhóm này âm thầm bán ra, khiến giá sụt mạnh và để lại toàn bộ rủi ro cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ lao vào sau.
Làm thế nào để tránh lừa đảo, rủi ro?
Bà Nguyễn Vân Hiền cho rằng, trong bối cảnh thị trường tài sản mã hoá phát triển nhanh nhưng hành lang pháp lý còn chưa hoàn thiện, thì việc nhận diện và phòng tránh các mô hình lừa đảo còn quan trọng hơn cả giấc mơ làm giàu nhanh chóng. Trang bị kiến thức là cách duy nhất để bảo vệ chính mình khỏi những cạm bẫy đang ngày càng tinh vi trong thế giới tài sản mã hóa.

Các học viên tham gia khoá học “Khung pháp lý và Nhận biết tài sản mã hoá giả” của Viện ABAII ngày 24/5/2025.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII đã thiết kế và triển khai khoá học “Khung pháp lý và Nhận biết tài sản mã hóa giả”, một chương trình tập trung vào việc nhận diện các mô hình lừa đảo phổ biến, hướng dẫn học viên cách kiểm tra độ an toàn của các dự án, phân tích hợp đồng thông minh, hiểu rõ các quy định pháp lý trong nước và quốc tế liên quan đến tài sản mã hoá.
Đội ngũ giảng viên của khóa học gồm các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực blockchain và tài sản mã hoá tại Việt Nam, như ông Phan Đức Trung – Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, bà Nguyễn Vân Hiền – Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, ông Trần Huyền Dinh – Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech Hiệp hội Blockchain Việt Nam, ông Phạm Gia Khánh – Chuyên gia Công nghệ Hiệp hội Blockchain Việt Nam… cùng đội ngũ chuyên gia đến từ Viện ABAII.
Khác với nhiều khoá học chỉ dừng lại ở lý thuyết đầu tư, khóa học của Viện ABAII đi thẳng vào vấn đề trọng tâm: phòng tránh lừa đảo trong môi trường tài chính số đầy biến động và rủi ro. Học viên sẽ được thực hành trên các tình huống thực tế, phân tích các trường hợp điển hình của việc mất tài sản do thiếu kiến thức công nghệ hoặc bị thao túng tâm lý. Đây không chỉ là hành trang để đầu tư hiệu quả, mà còn là lá chắn đầu tiên để tránh trở thành nạn nhân.
Như ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đã từng chia sẻ: “Thị trường tài sản mã hoá không dành cho những người thiếu hiểu biết và dễ bị lừa. Hãy học để hiểu, để bảo vệ chính mình.”