Thiếu hụt nhân lực chuyên sâu về tài sản mã hoá: Bài toán cho Việt Nam!

Theo báo cáo của Triple-A, tính đến năm 2024, khoảng 17 triệu người Việt Nam sở hữu tài sản mã hóa, chiếm 17% dân số, đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu toàn cầu về tỷ lệ sở hữu tài sản mã hoá. Tuy nhiên, sự bùng nổ này lại đi kèm với một thực tế đáng lo ngại: nguồn nhân lực có kiến thức chuyên sâu về tài sản mã hóa vẫn còn rất hạn chế. 

Thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài sản mã hoá

Thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam đang dần hiện rõ tiềm năng, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các dự án blockchain, nền tảng giao dịch, cũng như sự quan tâm gia tăng từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đi kèm với tốc độ phát triển này là một nghịch lý: nguồn nhân lực có kiến thức bài bản và hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực tài sản mã hóa tại Việt Nam hiện vẫn rất hạn chế.

Trong các buổi tọa đàm chuyên ngành gần đây, nhiều chuyên gia đã chỉ ra thực trạng thiếu hụt đội ngũ có năng lực phân tích, đánh giá và quản trị rủi ro trong lĩnh vực tài sản mã hoá. Không ít nhà đầu tư bước vào thị trường chỉ với những hiểu biết sơ sài, thiếu nền tảng công nghệ và pháp lý, dẫn đến những quyết định mang tính cảm tính, thậm chí rơi vào các mô hình lừa đảo được ngụy trang dưới hình thức dự án blockchain.

Trên thế giới, nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Thuỵ Sĩ, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã sớm xây dựng hệ thống khung pháp lý và chương trình đào tạo chính quy về tài sản mã hóa, nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia đủ năng lực phân tích, tư vấn và quản trị trong lĩnh vực mới này.

Tại Việt Nam, việc đào tạo chuyên sâu về tài sản mã hóa vẫn còn manh mún, chủ yếu dưới hình thức hội thảo hoặc các lớp học ngắn hạn không mang tính hệ thống. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về một chiến lược đào tạo bài bản – nơi mà lý thuyết cần gắn liền với thực tiễn, công nghệ song hành cùng pháp lý, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của chính thị trường trong nước.

Cấp thiết đào tạo nguồn nhân lực

Xuất phát từ thực tiễn đó, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII (thuộc Hiệp hội Blockchain Việt Nam) đã triển khai nhiều khoá học liên quan đến blockchain và tài sản mã hoá. Điển hình, ngày 24/5/2025 tại Hà Nội, Viện ABAII đã tổ chức khoá học về “Khung pháp lý và Nhận biết tài sản mã hóa giả” dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các cơ quan tài chính…

Đây là một trong những chương trình đầu tiên tại Việt Nam kết hợp đào tạo chuyên môn chuyên sâu với phương pháp giảng dạy thực tiễn, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ chuyên gia, cố vấn và nhà đầu tư có năng lực đánh giá đúng – hành động đúng – và tuân thủ đúng trong lĩnh vực tài sản mã hoá.

Đảm nhận vai trò điều phối và giảng dạy nội dung pháp lý là bà Nguyễn Vân Hiền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện ABAII. Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và tư vấn chính sách liên quan đến tài sản mã hóa, bà Hiền đã mang đến cho học viên một góc nhìn so sánh sâu sắc giữa khung pháp lý quốc tế và tình hình pháp lý tại Việt Nam. Bà cũng là người đóng vai trò nòng cốt trong các sáng kiến phổ cập kiến thức về blockchain và trí tuệ nhân tạo đến cộng đồng.

Bà Nguyễn Vân Hiền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện ABAII chia sẻ về chủ đề Khung pháp lý tài sản mã hóa

Đồng hành cùng bà Hiền là ông Trần Huyền Dinh – Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech thuộc Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Tổng giám đốc AlphaTrue. Với gần một thập kỷ gắn bó cùng blockchain, ông Dinh đã chia sẻ nhiều bài học thực chiến về cách nhận diện các mô hình tài sản mã hóa giả, phân tích hành vi gian lận và giúp học viên rèn luyện tư duy phản biện trong môi trường số.

Ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam phân tích một số vụ lừa đảo nổi bật, đưa ra kinh nghiệm nhận diện tài sản mã hóa giả cho học viên

Khóa học cũng có sự tham gia giảng dạy của ông Phạm Gia Khánh – chuyên gia công nghệ của Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Là người từng đảm nhiệm nhiều vị trí kỹ thuật cấp cao tại các dự án NFT, DeFi và token hóa tài sản thực (RWAs), ông Khánh mang đến các phân tích cụ thể về cách thức hoạt động của tài sản mã hóa, từ góc nhìn công nghệ nền tảng đến khả năng ứng dụng trong đời sống.

Học viên tham gia khoá học “Khung pháp lý và Nhận biết Tài sản mã hoá giả” của Viện ABAII

Trong bối cảnh thị trường tài sản mã hoá còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, việc bổ sung đội ngũ nhân lực chuyên sâu là chìa khóa để Việt Nam bước vào cuộc chơi toàn cầu với tâm thế chủ động, hiểu biết và có năng lực thực chiến. Viện ABAII cho biết sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo chuyên đề khác trong thời gian tới, góp phần xây dựng một cộng đồng nhân lực blockchain – tài sản mã hoá vững vàng, chuyên nghiệp và đáng tin cậy.