Thúc đẩy ứng dụng blockchain từ góc độ pháp lý và tuân thủ

Ngày 29/9, tại Văn phòng Quốc hội (Hà Nội), Hội thảo “Ứng dụng công nghệ Blockchain trong nền kinh tế số” đã được tổ chức với sự tham gia của các Đại biểu Quốc hội thuộc Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban: Kinh tế, Pháp luật, Tài chính – Ngân sách, Tư pháp, Xã hội, Quốc phòng – An ninh, Đối ngoại,..

Toàn cảnh sự kiệnChương trình còn có sự tham dự của đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh và đại diện Văn phòng TW Đảng, Ban Kinh tế TW, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ TT-TT, Bộ Khoa học và CN, Bộ Tài nguyên và MT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước, UB Chứng khoán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước,…

Tại hội thảo, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã trình bày tham luận sâu về các vấn đề trọng tâm của công nghệ blockchain, các ưu thế, tiềm năng phát triển và ứng dụng thực tiễn của công nghệ này như dịch vụ tài chính, quản lý danh tính, chuỗi cung ứng và giao dịch tài chính,…

Đặc biệt trong hội thảo dành riêng cho các nhà lập pháp lần này, các lãnh đạo và chuyên gia đại diện cho Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã nhấn mạnh đến các vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy công nghệ blockchain, kinh nghiệm tiếp cận và quản lý tài sản số từ các quốc gia, nền kinh tế lớn, thách thức và cơ hội đối với các nhà lập pháp Việt Nam.

Ông Lê Quang Huy, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết Quốc hội đánh giá cao tiềm năng của công nghệ blockchain và đang tích cực tiếp cận theo hướng thúc đẩy sự phát triển công nghệ, làm tiền đề cho công cuộc đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế, tăng trưởng đột phá cho Việt Nam.

Theo ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch VBA, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành luật và các văn bản pháp lý tương đương về quản lý tài sản số như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan,… nhằm tăng cường bảo vệ người dùng và nhà đầu tư, phòng chống và giảm thiểu tội phạm tài chính – thao túng thị trường, ổn định tài chính, giảm phát thải do khai thác tài sản tiền mã hóa, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh công bằng,…

“Việt Nam cũng cần gấp rút nắm bắt thời cơ hiện tại để triển khai hệ thống pháp lý hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ nói chung và công nghệ blockchain nói riêng”, ông Huây nhấn mạnh.

Phát biểu khai mạc - "Ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ "

Tại Việt Nam, tài sản số chưa có quy định pháp lý cụ thể nhưng đã được gián tiếp thừa nhận thông qua cam kết mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thay mặt Chính phủ Việt Nam ký với Lực lượng Hành động Tài chính (FATF) trong nỗ lực thúc đẩy khung thể chế chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố (AML/CFT) tháng 6/2023 nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “xám” 2022.

Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực VBA, sau cam kết cấp chính phủ kể trên, hai định nghĩa quan trọng nhất được coi là cơ sở để định hình và quản lý là VA (tài sản ảo) và VASP (nhà cung cấp tài sản ảo) cần sớm được luật hóa để đưa tài sản số vào quản lý.

VHA_6738.jpgÔng Phan Đức Trung cũng khuyến nghị, việc thúc đẩy ứng dụng blockchain trong đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số không chỉ cần sự hỗ trợ phát triển công nghệ mà còn cần sự ủng hộ từ góc độ pháp lý và tuân thủ, đồng thời đề xuất các nhà lập pháp tiếp cận các hình thái tài sản mới như Tiền ảo (VA), Tiền mã hoá (CA), Tài sản số dưới (DA) góc độ bộ Luật dân sự năm 2015 trong lúc nghiên cứu, soạn thảo các bộ luật mới.