Việc ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc giúp gia tăng giá trị không chỉ các sản phẩm vật lí mà cả các sản phẩm mang giá trị văn hóa, nghệ thuật,… Tuy nhiên, không phải bất kỳ sản phẩm, ngành nghề nào cũng nên ứng dụng blockchain vì lý do chi phí vận hành và quy trình áp dụng.
Ứng dụng công nghệ blockchain vào định danh hay truy xuất nguồn gốc các loại sản phẩm có giá trị cao cả về vật chất và tinh thần được coi là một bước tiến để các nhà sưu tầm cổ vật hay người dùng có cơ hội được bảo vệ tốt hơn trong bối cảnh thị trường nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, việc ứng dụng công nghệ blockchain vào việc định danh hay truy xuất nguồn gốc lại bị sử dụng như một sản phẩm truyền thông để nâng giá trị của sản phẩm gốc một cách không minh bạch.
Ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm văn hóa nghệ thuật
Phiên thảo luận “Ứng dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc: NFC, NFT và NFCT” với sự tham gia của các chuyên gia Hiệp hội Blockchain Việt Nam, AlphaTrue, Quỹ chống hàng giả, công ty Onyx và Trung tâm thông tin UNESCO.
Câu chuyện về truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thủ công, sản phẩm độc bản có giá trị cao được các chuyên gia, diễn giả bàn luận sôi nổi trong phiên thảo luận “Ứng dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc: NFC, NFT và NFCT” tại hội thảo “Thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo và Quản trị rủi ro trong Ứng dụng Blockchain” do Hiệp hội Blockchain tổ chức.
Đây là hoạt động thuộc Triển lãm Quốc tế Đổi mới Sáng tạo (VIIE) 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) Hòa Lạc, Hà Nội nhằm giới thiệu tới hơn 40.000 khách tham quan trong và ngoài nước về các ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Với kinh nghiệm tham gia vào nhiều dự án bảo tồn – ứng dụng văn hóa truyền thống, ông Đinh Đức Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm thông tin UNESCO đưa ra một ví dụ cụ thể về sản phẩm gốm ở làng Phù Lãng, Bắc Ninh. Tại đây, nghệ nhân nặn và khắc hàng nghìn hũ bằng tay, sau đó nung bằng củi – một phương pháp nung hiện không còn thịnh hành vì sự không ổn định của nó. Do vậy mà mẻ gốm thành hình có màu sắc, họa tiết hoàn toàn ngẫu nhiên. Nhưng chính điều này tạo nên sự độc bản và giá trị thương mại của sản phẩm.
Ông Đinh Đức Hoàng – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm thông tin UNESCO chia sẻ về quá trình nghiên cứu truy xuất nguồn gốc….
Theo Phó Tổng Giám đốc Trung tâm thông tin UNESCO, rất cần công nghệ truy xuất dữ liệu hiện đại giúp định danh những sản phẩm như bình gốm Phù Lãng, không chỉ để tăng giá trị kinh tế, mà từ đó còn có thể kể câu chuyện văn hóa và quảng bá thương hiệu làng nghề.
Về phía doanh nghiệp cung cấp giải pháp, ông Lê Quý Lượng – CTO Công ty cổ phần AlphaTrue cho biết, nghệ nhân và làng nghề có thể nâng giá trị thương hiệu của sản phẩm bằng cách cho đặt trước (pre-order) một số lượng bình gốm nhất định và token hóa chúng để đưa lên blockchain trước khi sản phẩm thực tế ra đời. Khi đó, người mua có thể theo dõi liên tục sản phẩm mình đặt trước trong quá trình sản xuất cho đến khi ra đời, hiểu hơn về câu chuyện của sản phẩm. Nếu người nổi tiếng mua một bình gốm, thì chiếc bình ấy sẽ khác biệt hẳn so với những chiếc bình còn lại, token tương ứng cũng có giá trị cao hơn.
Theo ông Lượng, giải pháp này có tên gọi NFCT mà công ty ông đang nghiên cứu, kết hợp giữa NFC (Near-Field Communications – Công nghệ kết nối không dây tầm ngắn) và NFT (token độc nhất dựa trên blockchain).
Quản trị rủi ro trong ứng dụng blockchain như thế nào?
Các chuyên gia tham gia thảo luận đều chung quan điểm việc ứng dụng truy xuất sản phẩm đặc thù, có giá trị văn hóa bằng blockchain có rất nhiều lợi ích, nhưng cũng kèm theo đó các nhược điểm và rủi ro mà doanh nghiệp phải lường trước.
Ông Lê Quý Lượng – CTO AlphaTrue giới thiệu giải pháp NFCT
Đồng quan điểm, ông Trần Đình Ngọc, CEO Công ty cổ phần Onyx Việt Nam cho biết, “chi phí cao là một trở ngại vì các sản phẩm độc bản đòi hỏi cách truy xuất không giống các mặt hàng tiêu dùng được sản xuất hàng loạt, đòi hỏi trang bị thêm công cụ và nhân lực để vận hành hệ thống”.
Quy trình truy xuất nguồn gốc hiện đại cần sự kết hợp của một loạt công nghệ, tập trung vào ba yếu tố chính: vật mang dữ liệu, trung tâm lưu trữ dữ liệu và thiết đọc dữ liệu. Nhưng không loại trừ nguy cơ vật mang dữ liệu (tem, mã vạch, QR code, thẻ từ tính…) bị làm giả.
Ông Nguyễn Thế Tiệp – Phó Viện trưởng viện Kỹ thuật chống Hàng giả và Gian lận Thương mại, Quỹ chống hàng giả (AFC) cho biết, blockchain có đặc tính là không thể sửa đổi thông tin đã được viết nhưng người sử dụng lại cần có biện pháp kiểm soát thông tin được nhập vào blockchain vì thông tin bị nhập sai trên blockchain sẽ không thể sửa đổi như trên các hệ thống bình thường.
Đặc biệt, với vai trò một người có nhiều năm kinh nghiệm làm báo và truyền thông, ông Đinh Đức Hoàng nhấn mạnh, các doanh nghiệp và nhà sản xuất cần hết sức tránh lạm dụng truyền thông về công nghệ blockchain trong các bài toán ứng dụng không có giá trị như một số trường hợp gần đây.
Đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam, ông Trần Dinh – Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech, đồng thời là người điều phối phiên thảo luận, khẳng định blockchain có thể giúp bảo tồn, phát huy giá trị sản phẩm thủ công, tác phẩm nghệ thuật, di sản văn hóa bằng cách quản lý hệ thống tài nguyên số quốc gia bằng cách ứng dụng blockchain, NFT và các công nghệ số khác.
“Tuy nhiên, khi áp dụng blockchain cần xét tính hiệu quả, khả năng tối ưu chi phí, quy trình. Vậy nên blockchain sẽ phù hợp để truy xuất những sản phẩm có giá trị cao, độc bản, như sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tác phẩm nghệ thuật”.
Ở vai trò một tổ chức xã hội, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng đã tham gia các hoạt động kết nối nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành văn hóa nghệ thuật thông qua nghiên cứu ứng dụng công nghệ blockchain. Năm 2022, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ký kết hợp tác với Làng Công nghệ TechArt tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển ngành công nghiệp văn hóa, nghệ thuật”, trong khuôn khổ Techfest 2022 ở Bình Dương.