Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất các chính sách, quy định pháp luật nhằm tận dụng công nghệ này để phát triển chiến lược kinh tế – xã hội của riêng mình. Việt Nam cũng là quốc gia được đánh giá có tiềm năng phát triển công nghệ blockchain, nhưng còn nhiều vướng mắc xung quanh công nghệ này do chưa có các chính sách rõ ràng trong việc quản lý tài sản ảo, vận hành sàn giao dịch, huy động vốn hay ứng dụng trong lĩnh vực thanh toán, giao dịch.
Để tạo chính sách cởi mở nhằm song hành cùng thế giới, cũng như tìm hiểu và tăng cường kinh nghiệm, chuẩn hóa giải pháp phát triển và ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain), hướng tới hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động liên quan đến công nghệ, ngày 05/08, Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ chuỗi khối và khuyến nghị cho Việt Nam” tại Tòa nhà Quốc hội, Hà Nội.
Đây là hội thảo quốc tế nhằm trao đổi, thảo luận, đưa ra những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra từ việc ứng dụng blockchain vào các lĩnh vực cụ thể ở các quốc gia. Các nội dung chính sẽ xoay quanh về tổng quan phát triển kinh tế số và công nghệ Blockchain; những vấn đề đặt ra và khuyến nghị chính sách, pháp luật cho Việt Nam.
Hội thảo đóng vai trò như diễn đàn tiếp nhận những ý kiến, đề xuất chủ trương, khuôn khổ pháp lý dành cho công nghệ blockchain, đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công nghệ blockchain, cũng như lắng nghe những chia sẻ, kinh nghiệm quản lý từ các quốc gia đã đi trước về công nghệ blockchain trên thế giới.
Tham dự Hội thảo có đại diện Đại sứ quán đến từ Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Singapore, Cambodia cùng đại diện các bộ ban ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu về công nghệ blockchain trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết: “Trước làn sóng bùng nổ của công nghệ toàn cầu, với chính sách ngày càng thuận lợi, mức độ quan tâm của doanh nghiệp ngày càng tăng, thị trường Blockchain Việt Nam dự báo tiếp tục tích cực. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, cùng sự nhạy bén nắm bắt xu hướng mới đã xây dựng được tên tuổi của mình trong lĩnh vực cung cấp nền tảng ứng dụng blockchain. Tuy nhiên, “sân chơi lớn” này rất cần có sự định hướng và dẫn dắt kịp thời”.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu của Hội thảo là góp phần nâng cao chất lượng, giá trị lý luận, thực tiễn trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến blockchain. Để hướng đến tương lai, các quốc gia cần thống nhất những tiêu chuẩn chung, xây dựng hành lang pháp lý để hướng đến chuyển đổi số, kinh tế số toàn diện.
Ông Phan Đức Trung với bài phát biểu về ứng dụng của blockchain trong kinh tế số
Ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain cho biết trong bài phát biểu của mình: Blockchain chỉ mới được đưa vào thực tiễn vào năm 2009, để nói về tương lai gần như là chuyện không tưởng đối với nhiều người. Nhưng theo ông Phan Đức Trung, đặc tính quan trọng nhất của blockchain chính là đặc tính về tương lai, cụ thể, đó là công nghệ trụ cột của tương lai, hướng đến mai sau. Ông khẳng định: “Tất cả hệ thống blockchain sẽ thất bại khi không nhìn thấy tương lai”.
Về các kinh nghiệm cũng như khuyến nghị cho Việt Nam, tại Hội thảo, đại diện đại sứ quán các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thuỵ Sỹ cũng nêu ra nhiều chia sẻ trong tiến trình quản lý, xây dựng hành lang pháp lý cũng như các thách thức khi ứng dụng công nghệ blockchain vào thực tiễn. Đặc biệt, là quốc gia áp dụng tiên phong tiền điện từ, đại diện Đại sứ quán Nhật và Thuỵ sĩ đã chia sẻ rất rõ về các nguyên tắc quan trọng để đảm bảo việc kiểm soát và các điều kiện pháp lý song hành.
Sự kiện khép lại sẽ là bước đệm để các đơn vị từ cơ quản Quản lý Nhà nước, các tổ chức nghiên cứu, kinh tế, khối doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ hội ngồi lại với nhau và cùng xây dựng các giải pháp ứng dụng hiệu quả, đẩy nhanh tiến trình thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia.