Tài sản số – Điểm nhấn của Luật Công nghiệp Công nghệ số

Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung cho rằng, Tài sản số chính là điểm nhấn của Luật Công nghiệp Công nghệ số. Khi nhận thức đúng về Tài sản số sẽ cho phép khai thông nguồn lực tiềm ẩn trên toàn cầu thay vì những nguồn lực truyền thống.

Ngày 11/01/2025, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) và ông Nguyễn Minh Tuấn – Uỷ viên BCH Hiệp hội Blockchain Việt Nam, TGĐ Công ty CP Đầu tư AFA Capital đã tham dự Hội thảo “Đầu tư gì 2025” do Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức tại Hà Nội. 

Các diễn giả chụp ảnh cùng khách mời tại Hội thảo “Đầu tư gì 2025”
Tác động của Luật Công nghiệp Công nghệ số đối với nền kinh tế số và các tiêu chuẩn quốc tế về Tài sản số

Chủ tịch Phan Đức Trung đã có bài trình bày với chủ đề “Tài sản số – Điểm nhấn của Luật Công nghiệp Công nghệ số”. Theo ông Trung, Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số dự kiến được Quốc hội thông qua vào Quý 2/2025 sẽ tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi người dùng, thúc đẩy kinh tế số và hoà nhập các tiêu chuẩn quốc tế về Tài sản số. Khi được thông qua, luật sẽ có tác động dài hạn đến nền kinh tế.

Dẫn chứng cụ thể, ông Trung cho biết, tác động đầu tiên có thể nhìn thấy là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số. “Khi tài sản số được công nhận hợp pháp, các giao dịch trở nên minh bạch hơn, giảm thiểu các hoạt động phi pháp. Cùng với đó, các doanh nghiệp blockchain và tài sản số sẽ đóng góp đáng kể vào GDP thông qua các giao dịch được quản lý”. ông Trung nói.

Tác động thứ hai là thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm blockchain của khu vực, thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Với việc xây dựng sandbox pháp lý sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thử nghiệm và phát triển các mô hình kinh doanh blockchain sáng tạo.

Thứ ba, giúp cải thiện vị thế quốc tế của Việt Nam. Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực bằng cách đi đầu trong việc xây dựng cơ sở pháp lý cho tài sản số và blockchain. Cùng với đó, tăng cường hội nhập quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các giao dịch tài sản số xuyên biên giới.

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam trình bày bài tham luận tại Hội thảo “”Đầu tư gì 2025?”

Tác động thứ tư, giúp tăng cường quản lý và giảm rủi ro. Khi Luật được ban hành sẽ làm giảm nguy cơ gian lận, rửa tiền, và các hoạt động phi pháp liên quan đến tài sản số. Nếu xây dựng được hệ thống quản lý hiệu quả cho các loại tài sản mã hóa sẽ đảm bảo được tính minh bạch và an toàn thông tin.

Cuối cùng là tác động đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Đẩy mạnh ứng dụng blockchain trong các lĩnh vực kinh tế như tài chính, y tế, giáo dục, và logistic. Tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp và xã hội.

Kết luận, Chủ tịch Phan Đức Trung khẳng định, Luật Công nghiệp Công nghệ số sau khi ra đời sẽ là Luật mang tính thúc đẩy, sẽ tham chiếu đến nhiều lĩnh vực và từ khoá quan trọng AI, IoT, Bán dẫn,.. Trong đó, tài sản số là từ khoá quan trọng tác động vô cùng lớn tới hệ thống Luật pháp Việt Nam sau khi được thông qua.

“Các doanh nghiệp cộng đồng cần nâng cao nhận thức về tài sản số vì tài sản số nằm trên không gian mạng, có thể giao dịch 24/7 cũng như dịch chuyển xuyên biên giới là các đặc tính tài sản truyền thống ít hoặc không có. Khi nhận thức đúng về tài sản số sẽ cho phép khai thông nguồn lực tiềm ẩn trên toàn cầu thay vì những nguồn lực truyền thống như đất đai, vàng hay chứng khoán”, ông Trung nói.

Trong khi đó ông Nguyễn Minh Tuấn – Uỷ viên BCH Hiệp hội Blockchain Việt Nam, TGĐ Công ty CP Đầu tư AFA Capital mang đến một góc nhìn khác liên quan đến Triển vọng các lớp tài sản tài chính năm 2025. Ông Tuấn đánh giá các yếu tố không thuận lợi giảm bớt ở cuối năm. Volatility (biến động) – Velocity (vận tốc) và Việt Nam là ba chữ V các nhà đầu tư cần lưu ý trong năm 2025, đồng thời sẽ phải làm quen với sự biến động mạnh khi ông Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20/1, đòi hỏi sự cần thiết hơn trong quản trị danh mục. 

Ông Tuấn đưa ra ba kịch bản với thuế quan trong chính quyền Trump 2.0. Trong đó, ở kịch bản cơ sở với xác suất 55%, Mỹ sẽ đánh thuế 25% với tất cả hàng hoá Trung Quốc sau điều tra, 25% với Canada và Mexico, 10% với các nền kinh tế tăng thâm hụt do sự dịch chuyển thương mại khỏi Trung Quốc (bao gồm Việt Nam).

Ở kịch bản này, xuất khẩu của Việt Nam vẫn khả quan trong khi thu hút được sự dịch chuyển thương mại. Tuy nhiên, đối với kịch bản tiêu cực với xác suất 45%, mức thuế áp dụng lên hàng hoá Trung Quốc là 60% và hàng hoá từ các nước được hưởng lợi là 20%, xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do mức thuế quan cao và sự sụt giảm tổng cầu do chiến tranh thương mại.

Cùng đó, năm 2025 sẽ cần xem xét tốc độ của chính sách tiền tệ tại các quốc gia. Nền kinh tế Mỹ được kỳ vọng có thể tăng trưởng nhưng lạm phát có khả năng quay trở lại. Châu Âu sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất mạnh tay để thúc đẩy tăng trưởng. Trung Quốc phục hồi chậm và bị ảnh hưởng nặng nề bởi bất định trong thương mại gia tăng. Do đó, xu hướng chính vẫn sẽ là nới lỏng. 

Với Việt Nam, ông Tuấn đánh giá tỷ giá vẫn là vấn đề cần hết sức lưu ý trong quý I/2025. Với việc các chính sách hiện tại đang tác động vào tổng cầu, yếu tố Trump 2.0 sẽ tác động đến xuất nhập khẩu và tỷ giá. Trên cơ sở đó, CEO AFA Capital dự báo năm 2025 sẽ là năm “tiền hung hậu cát”.

Hội thảo cũng đón nhận ý kiến từ nhiều chuyên gia khác như ông Phan Lê Thành Long – TGĐ AFA Group, Chủ tịch Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Quản lý Danh mục Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF)…