Hiệp hội Blockchain Việt Nam kiến nghị chính sách về việc quản lý, phát triển tài sản số với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương 

Ngày 06/3/2025, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã có buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương để đưa ra kiến nghị chính sách về việc quản lý, phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số cũng như một số chương trình, hoạt động hợp tác trong thời gian tới.

Buổi làm việc có sự tham dự của đồng chí Phạm Đại Dương, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương; đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban cùng lãnh đạo Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương. Về phía Hiệp hội Blockchain Việt Nam, có ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam; đồng chí Trần Việt Hùng, nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, cố vấn cấp cao của Hiệp hội và bà Nguyễn Vân Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương phát biểu chỉ đạo.

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương ghi nhận những đóng góp của Hiệp hội Blockchain Việt Nam trong thời gian vừa qua và đánh giá cao tiềm năng của công nghệ blockchain. Đồng chí cho biết tại cuộc họp với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương vào ngày 24/2, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, với vấn đề quản lý đồng tiền kỹ thuật số, không để chậm chân, không để mất cơ hội, không tạo khoảng cách hoặc khu biệt với các hình thái tài chính mới cũng như những phương thức giao dịch hiện đại. Chính vì vậy, đội ngũ làm chính sách đang tích cực tiếp cận theo hướng thúc đẩy sự phát triển công nghệ, làm tiền đề cho công cuộc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn diện.

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội BlockChain Việt Nam phát biểu ý kiến.

Theo báo cáo của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cần phải khoanh vùng để có khu vực thí điểm. Từ những khu vực thí điểm này, bắt đầu xây dựng khung pháp lý hoàn thiện hơn. Hiệp hội cũng kiến nghị cần sớm đưa vào thử nghiệm một sàn giao dịch tài sản mã hóa.

Trao đổi với đại diện Hiệp hội, đồng chí Trần Lưu Quang cho biết tinh thần chung của chính sách trong lĩnh vực này là thúc đẩy chứ không chỉ quản lý, kiểm soát. Tuy nhiên, đồng chí nhấn mạnh nhà nước vẫn cần thận trọng vì đây là một lĩnh vực rất mới, một cuộc cách mạng chứa đựng nhiều rủi ro. Đồng thời, đồng chí Trưởng Ban lưu ý cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền cho người dân cũng như toàn xã hội về nhận thức, kiến thức liên quan đến tài sản mã hoá cũng như sàn giao dịch mã hoá dự kiến thí điểm sắp tới.

Đồng tình với chỉ đạo trên, đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam tin rằng với sự cẩn trọng và chủ động trong quá trình thí điểm sàn giao dịch mã hoá, Việt Nam không chỉ tận dụng được cơ hội phát triển trong cuộc cách mạng số mà còn tạo ra môi trường đầu tư an toàn, minh bạch. Qua đó, nền kinh tế số của đất nước sẽ được định hình trên nền tảng vững chắc, mở ra một chương mới đầy triển vọng cho sự chuyển đổi toàn diện.

Bài viết liên quan:

Tọa đàm về tài sản mã hoá: Kiến nghị khung pháp lý cho thị trường tỷ đô

NEAC và VBA thống nhất kế hoạch hành động, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái Blockchain