Viện ABAII phối hợp Đại học Y Dược TPHCM triển khai AI trong giảng dạy và nghiên cứu y khoa

AI đang mở ra bước chuyển mới trong giáo dục y khoa, không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà là nền tảng giúp giảng viên đổi mới phương pháp, rút ngắn khoảng cách giữa giảng dạy và thực tiễn lâm sàng.

Ngày 15 và 16/4/2025, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII phối hợp với Đại học Y Dược TPHCM tổ chức buổi workshop “Ứng dụng AI trong Nghiên cứu và Giảng dạy Y khoa”. Chương trình thu hút hơn 40 giảng viên, cán bộ giảng dạy từ nhiều khoa, bộ môn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của giới học thuật đến các xu hướng công nghệ mới đang làm thay đổi phương pháp đào tạo và nghiên cứu trong ngành y.

GS.TS. Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Y Dược phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, GS.TS. Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng, Đại học Y Dược nhấn mạnh, Trí tuệ Nhân tạo (AI) đang phát triển nhanh chóng và trở thành công cụ thiết yếu trong cả đời sống và hoạt động chuyên môn. Trong bối cảnh đó, việc triển khai ứng dụng AI trong đào tạo đại học là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải đóng vai trò tiên phong.

Ông Tuấn cho biết, chương trình lần này là hoạt động mở đầu cho kế hoạch đã được nhà trường chuẩn bị trong hơn nửa năm, hướng đến xây dựng năng lực ứng dụng AI một cách toàn diện trong giảng dạy, nghiên cứu và quản trị đại học. Nhà trường cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia từ Viện ABAII để triển khai các chương trình đào tạo bài bản, đảm bảo hiệu quả và đúng định hướng.

Ông Trần Việt Hùng, Hội đồng Khoa học Viện ABAII nhấn mạnh việc cần có chiến lược dài hạn khi ứng dụng AI để tối ưu hiệu quả

Đại diện phía Hiệp hội Blockchain Việt Nam, ông Trần Việt Hùng, Nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Cố vấn cấp cao bày tỏ quan điểm, để ứng dụng AI hiệu quả ở cấp độ tổ chức, cần có chiến lược dài hạn và đồng bộ, khác biệt rõ ràng so với việc áp dụng công cụ AI ở mức cá nhân.

Theo ông Hùng, việc triển khai thành công cần dựa trên năm trụ cột chính: nâng cao nhận thức và năng lực của đội ngũ giảng viên; lựa chọn công nghệ phù hợp với quy mô và định hướng phát triển của nhà trường; xây dựng và quản lý dữ liệu tập trung; phát triển đội ngũ nhân sự chuyên trách ở nhiều cấp độ; và duy trì mạng lưới nội bộ để chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật kiến thức.

Ông Hùng cho rằng, ba ưu tiên trọng tâm là chuẩn hóa dữ liệu, hoàn thiện quy trình nội bộ theo hướng số hóa và xây dựng lộ trình ứng dụng AI phù hợp với năng lực triển khai thực tiễn.

Chương trình được triển khai với sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết nền tảng và thực hành chuyên sâu. Phần lý thuyết tập trung vào tổng quan về tiềm năng, xu hướng và các ứng dụng nổi bật của AI trong lĩnh vực y tế, giúp học viên định hình nhận thức toàn diện về vai trò chiến lược của công nghệ trong hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. 

Ông Đào Trung Thành, Chủ tịch Hội đồng Giảng viên kiêm Phó Viện trưởng Viện ABAII khuyến khích ứng dụng các công cụ AI vào giảng dạy và nghiên cứu

Trong khuôn khổ buổi tập huấn, ông Đào Trung Thành, Chủ tịch Hội đồng Giảng viên, Phó Viện trưởng Viện ABAII cho biết, AI đang mở ra nhiều khả năng ứng dụng đột phá trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là trong đào tạo và nghiên cứu lâm sàng. Theo ông, việc tích hợp các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) và công cụ tạo sinh vào giảng dạy không chỉ giúp giảng viên tối ưu hóa việc soạn thảo tài liệu, bài giảng mà còn hỗ trợ nâng cao chất lượng nội dung và khả năng tương tác học tập.

Ông Thành dẫn chứng, các ứng dụng nổi bật như AI trong chẩn đoán hình ảnh, nơi công nghệ này đạt độ chính xác 95% trong phân tích ảnh võng mạc, so với 89% của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời rút ngắn thời gian phân tích xuống dưới một phút.

Tương tự, AI trong đọc X-quang ngực, CT phổi hay MRI não đều cho kết quả nhanh và chính xác hơn đáng kể so với phương pháp truyền thống. Ngoài ra, AI còn được ứng dụng trong phát triển thuốc, phân tích dữ liệu gene và thiết kế mô hình đào tạo mô phỏng, góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy và đảm bảo an toàn trong đào tạo lâm sàng.

Bên cạnh đó, ThS. Nguyễn Minh Cường, Giảng viên Viện ABAII nhấn mạnh vai trò của các công cụ no-code và khả năng triển khai linh hoạt trong môi trường đào tạo đại học. Ông hướng dẫn giảng viên cách sử dụng hệ thống các công cụ như ChatGPT Plus, Gemini, Gamma,… để phục vụ hoạt động chuyên môn: xây dựng bài giảng, tóm tắt nghiên cứu, tạo hình minh họa y khoa và kiểm chứng thông tin học thuật.

Theo ông Cường, điều quan trọng không chỉ là tiếp cận công cụ, mà còn là khả năng thiết kế “luồng công việc” (workflow) hiệu quả, gồm xác định mục tiêu, xây dựng câu lệnh (prompt), lựa chọn công cụ phù hợp và kiểm soát đầu ra theo tiêu chuẩn học thuật.

Tuy nhiên, chương trình cũng nhấn mạnh các yếu tố đạo đức, pháp lý và bảo mật thông tin khi ứng dụng AI trong ngành y, một lĩnh vực đòi hỏi độ tin cậy và chính xác tuyệt đối. Từ nguyên tắc Human in the loop – con người giữ vai trò trung tâm trong toàn bộ quy trình, cho đến các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu cá nhân, sự cẩn trọng và giám sát của con người được xem là điều kiện tiên quyết trong mọi ứng dụng AI y tế.

Những vấn đề này được lồng ghép xuyên suốt nội dung thực hành, giúp học viên không chỉ nắm công cụ mà còn có tư duy công nghệ có trách nhiệm.

Học viên nhận Chứng nhận đào tạo từ Viện ABAII sau khi kết thúc khoá đào tạo

Sự kiện lần này không chỉ trang bị cho đội ngũ giảng viên những kiến thức cập nhật và kỹ năng thực hành về AI trong giáo dục y khoa, mà còn thể hiện rõ định hướng của Đại học Y Dược TPHCM trong việc xây dựng môi trường đào tạo tiên tiến, kết nối liên ngành và hội nhập xu thế toàn cầu. 

Trước đó, Viện ABAII đã từng tổ chức nhiều khoá đào tạo, xem thêm tại: