Ngày 12/5 tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã tham dự Tọa đàm “Hoàn thiện thể chế thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới trong chuyển đổi số quốc gia” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội phối hợp với Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức.
Tại tọa đàm, ông Phan Hồng Quân, chuyên gia VBA đã chia sẻ nội dung liên quan đến blockchain và tài sản số trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay. Theo ông, tài sản số với nền tảng cốt lõi là blockchain sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia và hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên hành lang pháp lý chưa rõ ràng có thể là rào cản lớn khiến tốc độ số hoá chậm lại.
Trưởng Ban Hội viên VBA phát biểu tại tọa đàm
Ông Quân cho rằng tài sản số là một khái niệm có nội hàm kinh tế, chứ không chỉ giới hạn trong khuôn khổ pháp lý, bởi nó sẽ “đụng chạm” tới nhiều vấn đề then chốt liên quan tới quyền sở hữu, tư hữu, sở hữu trí tuệ… Do đó, cần có cách tiếp cận mới, rộng và tổng thể hơn để xây dựng khung pháp lý cởi mở, từ đó thúc đẩy nền kinh tế số như là một động lực tăng trưởng mới và quan trọng của Việt Nam. Tiếp cận tổng thể này, nếu được cơ quan lập pháp (Quốc Hội) nghiên cứu và cho phép cơ quan hành pháp (Chính phủ) thử nghiệm cơ chế (Sandbox) sẽ là “cú hích” quan trọng cho nền kinh tế số mới, như các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ đã kỳ vọng.
Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thuỵ Sỹ hay các khu vực bên cạnh Việt Nam như Singapore, Hồng Kông và Thái Lan đều đã ban hành một số khung pháp lý chung để quản lý tài sản số. Đặc biệt là “Khung quy định về thị trường tài sản số” (MiCA) của Liên minh châu Âu (EU) vừa được thông qua vào giữa tháng 4. Các chuyên gia đánh giá MiCA là khung quy định toàn diện nhất thế giới hiện nay đối với tài sản số. Trong khi đó, chuyển động quản trị công nghệ kết hợp giữa tập trung (central) và phân tán (decentral) đang hội tụ thành một xu hướng mới, đó là Regulation Techs (“RegTech”). Đó rất có thể là một xu hướng dòng chính (mainstream) trong giai đoạn tới, khi các quốc gia nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của tài sản số trong trật tự thế giới mới.
Nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này, VBA đã có nhiều cuộc đối thoại với các cơ quan lập pháp như Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội, cơ quan quản lý tài chính như Ngân hàng Nhà nước (SBV), Bộ tài chính… nhằm đề ra những giải pháp kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp và ngành blockchain trong nước phát triển sáng tạo, đổi mới và tuân thủ các quy định hiện hành.
Quan cảnh tọa đàm
Trong bối cảnh hành lang pháp lý chưa rõ ràng có thể gây ra rủi ro đối với người dùng và nhà đầu tư, VBA đã ra mắt “Cổng báo cáo các dự án có dấu hiệu lừa đảo” và nhận về hơn 20 báo cáo, trong đó 70% dự án bị báo cáo là các nhà sáng lập tại Việt Nam. Điều này cho thấy sự cấp bách trong việc sớm ban hành các quy định, hướng dẫn có liên quan. Ngoài ra VBA cũng đã công bố “Bộ tiêu chuẩn nhận diện lừa đảo”, “Bộ tiêu chuẩn Bảo mật thông tin” và “Bộ tiêu chuẩn Đánh giá Xếp hạng Dự án” nhằm tạo ra một môi trường minh bạch, cạnh tranh lành mạnh cho ngành blockchain.
“Tài sản số rõ ràng đã đi vào xu hướng chủ đạo, chúng ta cần cùng nhau tạo ra cách tiếp cận hiệu quả và khung pháp lý cởi mở để thúc đẩy một nền kinh tế số mới năng động. Cần tiếp cận tổng thể cả về chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, xác lập khung pháp lý bao trùm về tài sản số cũng như sự hợp tác quốc tế sâu rộng sẽ giúp tài sản số có giá trị quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, xây dựng bảng tổng kết tài sản mạnh cho các doanh nghiệp và tích hợp hoàn hảo với hệ sinh thái tài sản truyền thống. Đổi mới sáng tạo, xác lập vai trò then chốt của tài sản số sẽ là động lực phát triển kinh tế mới và là cơ hội vượt lên rất hiếm hoi của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt toàn cầu hiện nay”, ông Quân nhấn mạnh.
Đại diện VBA cũng đã đưa ra một số kiến nghị. Đầu tiên cần đưa tài sản số vào khung pháp lý chung, không nên đưa vào một vài luật chuyên ngành như: Luật các Tổ chức tín dụng hay Luật viễn thông… Trong đó quyền sở hữu tài sản số và sở hữu trí tuệ là nội dung cơ bản cần phải làm rõ. Tiếp theo là cách tiếp cận cần thiên về yếu tố kinh tế, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản, từ đó ban quy định chính sách một cách hợp lý, cởi mở, thân thiện với các ngành công nghệ mới để tạo lợi thế trong việc cạnh tranh phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng. Cuối cùng là cần tham khảo, học hỏi kinh nghiệm xây dựng khung pháp lý cũng như cách tiếp cận tài sản số của các quốc gia đi trước, nhằm ban hành thí điểm (sandbox) trong một phạm vi lĩnh vực cụ thể trước khi thí điểm trên diện rộng.