Blockchain là khái niệm rất rộng, thị trường token biến động liên tục mà chúng ta đang nhìn thấy chỉ là một phần nhỏ của blockchain, cụ thể là public blockchain, trong khi enterprise blockchain là chân trời chưa được khám phá – đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam tại sự kiện Shark Tank Forum 2022 sáng ngày 25.11.
Góp mặt tại Shark Tank Forum mùa 5 với phần chia sẻ về “Chuyển mình đón cơ hội với công nghệ blockchain”, ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam kiêm Chủ tịch Decom Holdings đã có những chia sẻ bổ ích cho doanh nghiệp xung quanh câu hỏi blockchain là gì và làm thế nào để ứng dụng Blockchain thành công vào các khía cạnh kinh doanh.
Ứng dụng blockchain thì đừng nên quan tâm token
Trong bối cảnh cả nước đang bước vào công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ để theo kịp tiến trình chuyển đổi số Quốc gia đến 2025, thì blockchain được xem là một cơ hội để các doanh nghiệp tạo đột phá trong hoạt động kinh doanh. Nhưng theo ông Phan Đức Trung, những gì chúng ta nhìn thấy hiện nay với tiền mã hóa, các loại token chỉ là “bề nổi” của blockchain.
Bitcoin là public blockchain đầu tiên thuộc công nghệ chuỗi khối (Blockchain) nhưng bản thân blockchain Bitcoin chưa toàn diện và không thể giải quyết mọi bài toán của doanh nghiệp, nhất là các vấn đề liên quan đến tốc độ xử lý giao dịch và khả năng mở rộng. Về cơ bản, “Enterprise Blockchain” được hiểu như một nền tảng chuỗi khối riêng tư được dùng để hợp lý hóa các quy trình kinh doanh trên quy mô lớn, chẳng hạn như theo dõi hàng hóa trong chuỗi cung ứng hoặc giải quyết các khoản thanh toán toàn cầu.
Vậy nên các enterprise blockchain và private blockchain xuất hiện với những lợi ích mà public blockchain không có được, như dễ dàng mở rộng mạng lưới, giúp tăng tốc độ mà vẫn đảm bảo tính bảo mật cũng như có thể tùy chỉnh cơ chế đồng thuận tùy nhu cầu và mô hình quản trị của doanh nghiệp.
Trên thế giới, các doanh nghiệp lớn như Microsoft, Amazon, Samsung hay các ngân hàng, định chế tài chính như JPMorgan, Goldman Sachs… chủ yếu chỉ dùng một số Enterprise blockchain phổ biến là Hyperledger Fabric, Ethereum, Quorum và Corda. Mỗi nền tảng đều có thế mạnh riêng và giải quyết các bài toán khác nhau của doanh nghiệp trong từng ngành.
Nhìn chung enterprise blockchain chỉ đang ở giai đoạn đầu phát triển, dù đã có một số trường hợp ứng dụng thành công nhưng công nghệ này vẫn cần được nghiên cứu thêm trước khi đưa vào nhiều doanh nghiệp. Ông Phan Đức Trung nhận định: “Doanh nghiệp nên quan tâm đến những nền tảng này thay vì token, tiền mã hóa. Blockchain không phải giải pháp cứu cánh mà chỉ là giải pháp cắt giảm chi phí. Thay vào đó, doanh nghiệp có thể áp dụng mô hình lấy dịch vụ truyền thống để xây dựng enterprise blockchain…”.
Chuyển đổi số ở Việt Nam vẫn đang ở mức thử nghiệm
Trong phiên thảo luận “Đột phá tăng trưởng trong nền kinh tế số”, ông Trung nêu bật sự cần thiết của việc phải có những chỉ số đánh giá quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam và khu vực thay vì thực hiện chuyển đổi một cách cảm tính. Phó Chủ tịch thường trực VBA chia sẻ: “Cần phải có những chỉ số để đánh giá mức độ chuyển đổi số ở Việt Nam và các Hiệp hội, tổ chức chính phủ phải tham gia thiết lập các chỉ số này trong khu vực và đánh giá chênh lệch thứ hạng qua mỗi năm. Có như vậy chúng ta mới có thể cùng nhau thúc đẩy hướng tới chung một mục tiêu”.
Ông Phan Đức Trung (giữa) chia sẻ về sự cần thiết của việc thiết lập chỉ số chuyển đổi số Việt Nam
Sự kiện Shark Tank Forum năm 2022 tại Vinpearl Luxury Landmark 81, TP.HCM với chủ đề “Đột phá tăng trưởng trong nền kinh tế số”. Đây là sự kiện thường niên lớn nhất của Shark Tank Việt Nam được tổ chức nhằm kết nối nhà đầu tư trong nước, quốc tế với doanh nghiệp Việt, kết hợp các phiên thảo luận chia sẻ kiến thức đầu tư, khởi nghiệp, cập nhật chủ trương phát triển và cơ hội kinh doanh tiềm năng mà những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (Blockchain), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT)… mang lại trong công cuộc phát triển nền kinh tế số.
Bà Lê Hạnh – Giám đốc sản xuất Shark Tank Việt Nam: “Khái niệm growth hacking xuất phát từ Thung lũng Silicon, được coi là lời giải bài toán cho khởi nghiệp vì không đòi hỏi chi phí marketing khổng lồ mà vẫn đem lại sự tăng trưởng cho doanh nghiệp. Ngày nay growth hacking không còn là khái niệm xa xỉ trong nền kinh tế số…”.
Kinh tế số tạo ra không gian phát triển mới, mở ra cơ hội cho Việt Nam phát triển đột phá. Năm 2021, nền kinh tế số Việt Nam trị giá khoảng 21 tỷ USD, cao gấp 7 lần so với năm 2015, dự đoán đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2030 và tăng trưởng nóng nhất trong các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, gọi xe công nghệ, và còn hơn thế nữa.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam mong muốn thông qua sự kiện Shark Tank Forum lần này có thể cùng doanh nghiệp Việt phát triển thị trường consortium và private blockchain để thúc đẩy tăng trưởng đột phá – “growth hacking” – và hướng đến phát triển bền vững hơn.