ABAII Unitour 26: Hơn 1.000 sinh viên Huế khám phá tiềm năng Blockchain, AI

Thu hút gần 1.000 sinh viên, giảng viên trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, ABAII Unitour 26 khai thác tiềm năng Blockchain, AI trong giáo dục, hướng đến nâng cao kỹ năng số và thúc đẩy sáng tạo cho thế hệ trẻ.
Sự kiện ABAII Unitour 26 thu hút hơn 1.000 sinh viên, giảng viên trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế.

Ngày 19/03/2025, chương trình ABAII Unitour 26, do Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, đã thu hút gần 1.000 sinh viên, giảng viên và chuyên gia công nghệ tham dự. Sự kiện không chỉ mang đến cái nhìn sâu sắc về tiềm năng của Blockchain và AI trong lĩnh vực giáo dục, mà còn tạo cơ hội để sinh viên tiếp cận những công nghệ tiên tiến, từ đó trang bị kỹ năng cần thiết trong kỷ nguyên số.

Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Nguyễn Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng trường ĐHSP, Đại học Huế- Trưởng Khoa Tin học khẳng định việc tích hợp các công nghệ mới vào đào tạo đang là xu hướng tất yếu, nhất là khi AI và Blockchain ngày càng hiện diện trong nhiều ngành nghề. Nhà trường cho hay sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các tổ chức công nghệ, nhưng cũng cho biết vẫn cần “thận trọng và có lộ trình rõ ràng” trong việc áp dụng vào chương trình học.

PGS. TS. Nguyễn Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng trường ĐHSP, Đại học Huế- Trưởng Khoa Tin học phát biểu khai mạc tọa đàm.

Về tác động của Blockchain đối với giáo dục, ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Chuyển đổi số Viện ABAII, nhấn mạnh rằng công nghệ này không chỉ dừng lại ở lĩnh vực tài sản số mà còn mở ra nhiều cơ hội trong việc số hóa bằng cấp, quản lý dữ liệu học tập một cách minh bạch và bảo mật. Khảo sát của Statista thực hiện trên 1.280 doanh nghiệp tại 10 quốc gia cho thấy, 46% trong số đó đã hoặc đang áp dụng Blockchain vào quản lý danh tính và xác thực chứng nhận học tập, cho thấy xu hướng ứng dụng công nghệ này đang ngày càng được mở rộng.

Bên cạnh Blockchain, AI cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục, TS. Võ Công Khôi, Chánh Văn phòng Đà Nẵng, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đã có những phân tích chuyên sâu về các ứng dụng của AI trong giáo dục và những vấn đề đạo đức liên quan. Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến năm 2030, khoảng 85% công việc sẽ đòi hỏi các kỹ năng số mà hiện nay chưa được giảng dạy phổ biến. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ sở giáo dục trong việc cập nhật chương trình đào tạo để theo kịp sự phát triển của công nghệ.

Tại phiên thảo luận “Ứng dụng Blockchain và AI trong lĩnh vực giáo dục”, ông Đỗ Việt Cường, Chánh Thanh tra Giám sát Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Huế, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cập nhật chương trình đào tạo nhằm theo kịp sự phát triển của công nghệ trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ông nhận định rằng, để rèn luyện kỹ năng số, đảm bảo an toàn thông tin cá nhân và sẵn sàng thích ứng với các công nghệ mới, sinh viên cần chủ động nâng cao nhận thức về các xu hướng công nghệ và tuân thủ các quy định an toàn trong không gian số. Theo ông Cường, Việt Nam có thể học hỏi từ các mô hình tiên tiến trên thế giới, chẳng hạn như hệ thống đào tạo trực tuyến ứng dụng Blockchain tại Estonia hay các chương trình AI cá nhân hóa tại Singapore, để tối ưu hóa quá trình giảng dạy và quản lý dữ liệu học tập. Bên cạnh đó, việc xây dựng khung pháp lý phù hợp là yếu tố then chốt giúp công nghệ phát huy tối đa hiệu quả trong giáo dục, đồng thời đảm bảo tính bảo mật và minh bạch của thông tin cá nhân trong môi trường số.

Các chuyên gia chia sẻ góc nhìn về chủ đề ứng dụng Blockchain và AI trong lĩnh vực giáo dục tại phiên thảo luận mở.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Thomas Hoàng, Giám đốc vận hành của TingFoundation chia sẻ, AI cũng đang mở ra cơ hội lớn trong việc phát triển các nền tảng đào tạo nội bộ tại doanh nghiệp, đặc biệt trong việc nâng cao kỹ năng công nghệ cho nhân sự. “Các doanh nghiệp công nghệ như chúng tôi cần nhân sự có khả năng thích ứng nhanh với công nghệ mới. Nếu AI và Blockchain được tích hợp vào giáo dục một cách bài bản, sinh viên không chỉ tiếp cận kiến thức mà còn được đào tạo theo đúng nhu cầu của thị trường lao động, từ đó rút ngắn thời gian hòa nhập khi tham gia doanh nghiệp”, ông Hoàng nhấn mạnh. 

Để đáp ứng nhu cầu trang bị kiến thức công nghệ cho sinh viên, ông Nguyễn Đức Long đã giới thiệu đến các bạn sinh viên về MasterTeck – nền tảng học trực tuyến mở đầu tiên (MOOC) về Blockchain và AI. MasterTeck cung cấp hơn 300 khóa học chất lượng cao với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong ngành, đồng thời hỗ trợ sinh viên học tập từ xa và cấp chứng chỉ có giá trị, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động. 

Thầy cô trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế cảm ơn các chuyên gia của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) và Viện ABAII.

Sự kiện ABAII Unitour 26 không chỉ mang đến góc nhìn toàn diện về ứng dụng của Blockchain và AI trong giáo dục mà còn khuyến khích sinh viên chủ động tiếp cận công nghệ, trang bị kỹ năng số để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc nâng cao năng lực công nghệ sẽ giúp thế hệ trẻ không chỉ nắm bắt cơ hội mà còn khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế số toàn cầu. 

Tin tức liên quan:

ABAII Unitour 24: Sinh viên VKU cập nhật xu hướng AI, Blockchain

ABAII Unitour 25: “Giải mã” cơ hội vàng AI, Blockchain cho sinh viên