“Blockchain và AI là tấm vé quốc tế, mở ra cơ hội làm việc toàn cầu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình chuyển đổi số đang bùng nổ như hiện nay”, luật sư Nguyễn Trần Minh Quân, chuyên gia pháp lý Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhấn mạnh.
Ngày 15/10/2024, tại Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TPHCM, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo với chủ đề “Blockchain và AI: Con đường sự nghiệp trong kỷ nguyên số hóa”. Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 500 sinh viên cùng nhiều chuyên gia đầu ngành, mang đến cái nhìn toàn diện và chuyên sâu về những công nghệ đột phá, đồng thời mở ra những cơ hội và các gợi ý giải quyết những thách thức nghề nghiệp trong tương lai.
Phát biểu khai mạc, PGS. TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế – Luật, nhấn mạnh Blockchain và AI không chỉ đơn thuần là những tiến bộ khoa học kỹ thuật, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lại cục diện của nền kinh tế số.
“Những công nghệ này đã và đang trở thành lực đẩy chủ đạo trong các lĩnh vực, từ tài chính, giáo dục cho đến dịch vụ công. Việc sinh viên nắm vững và áp dụng hiệu quả Blockchain và AI sẽ là chìa khóa để các bạn trở thành những nhà lãnh đạo tương lai trong cuộc cách mạng công nghệ”, PGS. TS Nguyễn Anh Phong chia sẻ.
Ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện ABAII cho biết, theo khảo sát của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, 55% các trường Luật tại nước này đã tích hợp AI, 83% trường cung cấp các khóa học về AI và 93% trường luật đã và đang xem xét thay đổi chương trình giảng dạy theo hướng tích hợp và ứng dụng AI.
Chia sẻ thêm về những lợi ích thực tiễn mà AI mang lại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc tối ưu hóa quy trình và gia tăng lợi nhuận, ông Đào Trung Thành cho biết, có đến 74% doanh nghiệp sử dụng AI tạo sinh đã thu hồi vốn ngay trong năm đầu tiên và 86% doanh nghiệp báo cáo doanh thu có sự tăng trưởng so với trước khi ứng dụng AI. Các lĩnh vực như dịch vụ khách hàng và phát triển sản phẩm đều ghi nhận những kết quả tích cực khi áp dụng AI, giúp tối ưu hóa quy trình và thúc đẩy tăng trưởng tài chính bền vững.
Để đón đầu những xu hướng này, ông Thành khuyến khích các bạn sinh viên chủ động học hỏi về AI và Blockchain bằng nhiều hình thức khác nhau như các khóa học ngắn hạn, hay các chương trình đào tạo học trực tuyến. Đặc biệt, để hỗ trợ quá trình học tập của các bạn sinh viên Đại học Kinh tế – Luật, ông Đào Trung Thành đại diện Viện ABAII trao tặng 30 suất học bổng trị giá 30 triệu đồng là 30 tài khoản học trực tuyến MasterTeck.
MasterTeck là nền tảng học trực tuyến về Blockchain và AI hàng đầu Việt Nam, cung cấp hơn 300 khóa học chuyên sâu về Blockchain và AI, tập trung vào 24 ngành nghề hấp dẫn có cơ hội thu nhập cao cùng các chứng chỉ quốc tế từ CompTIA, EC-Council, PECB và chứng chỉ NFT của Viện ABAII. Học viên có thể nhận chứng chỉ đồng thời ở hình thức Truyền thống và Chứng chỉ NFT, giúp gia tăng tính minh bạch, bảo mật và tích hợp trực tiếp với LinkedIn để thuận tiện trong việc xây dựng mạng lưới kết nối chuyên nghiệp quốc tế.
Trên góc độ cơ hội nghề nghiệp dành cho sinh viên Đại học Kinh tế – Luật, ông Nguyễn Trần Minh Quân, chuyên gia pháp lý Hiệp hội Blockchain Việt Nam, CEO Krysos Trust, nhấn mạnh quá trình xâm nhập sâu của Blockchain và AI vào các ngành nghề kinh tế sẽ dẫn đến nhu cầu lớn về nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn và kỹ năng pháp lý ở cả các công ty trong và ngoài nước.
Theo ông Quân, với kiến thức kinh tế – luật, nếu có thêm sự hỗ trợ từ kiến thức và kỹ năng ngành Blockchain và AI, các bạn trẻ sẽ có thêm nhiều lựa chọn về nghề nghiệp như phát triển sản phẩm mới, tư vấn pháp lý, tư vấn ứng dụng AI và Blockchain. “Nói cách khác, Blockchain và AI là tấm vé quốc tế, mở ra cơ hội làm việc toàn cầu cho sinh viên và các bạn trẻ”, ông Quân nhấn mạnh.
Đặc biệt, để chuẩn bị cho các bạn sinh viên tham gia “cuộc đua công nghệ” một cách chủ động, góp phần thúc đẩy kinh tế quốc gia các chuyên gia đã chia sẻ nhiều góc nhìn, thông tin và những lời khuyên hữu ích không chỉ ở góc độ kiến thức chuyên môn về blockchain và AI mà còn cả các vấn đề pháp lý trong nước và tiêu chuẩn quốc tế.
Theo ông Bành Trí Trung, đồng sáng lập Công ty HoldStation, Blockchain và AI là những yếu tố đã và đang thay đổi cuộc chơi tài chính. Theo báo cáo từ Boston Consulting Group, tổng giá trị thị trường tài sản thực được token hóa (RWA) trên nền tảng Blockchain sẽ đạt mức 16.000 tỷ USD, chiếm 10% tổng giá trị GDP toàn cầu vào năm 2030.
Đồng quan điểm, các chuyên gia Viện ABAII như ông Nguyễn Đức Long (Giám đốc Chuyển đổi số Viện ABAII), ông Nguyễn Văn Tiệp (Phó Giám đốc Đào tạo Viện ABAII), Ông Hoàng Minh Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Đào Tạo và Khởi Nghiệp Blockchain; Nhà đồng sáng lập Quỹ khởi nghiệp K300, cho rằng các bạn sinh viên cần tích cực tham gia các khóa học, chứng chỉ quốc tế về Blockchain và AI để nâng cao kiến thức của bản thân, đồng thời rèn luyện kỹ năng và trải nghiệm thực tế thông qua các cuộc thi hackathon, ideathon, dự án, nghiên cứu và các cộng đồng ứng dụng Blockchain và AI.
Đặc biệt, trong bối cảnh hành lang pháp lý về Blockchain và AI tại Việt Nam chưa sẵn sàng, sinh viên và các bạn trẻ cần chủ động tìm hiểu các vấn đề pháp lý và tuân thủ quy định quốc tế để sẵn sàng cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên thị trường công nghệ toàn cầu.
Tọa đàm “Blockchain và AI: Con đường sự nghiệp trong kỷ nguyên số hóa” tại trường Đại học Kinh tế – Luật là sự kiện thứ 13 trong chuỗi ABAII Unitour, do Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII và Hiệp hội Blockchain Việt Nam triển khai từ tháng 3/2024. Sắp tới, ABAII Unitour sẽ được tổ chức tại các trường đại học uy tín như: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TPHCM (HCMIU), Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU), Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM (UEF), và Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TPHCM (HCMUT),…Trước đó, ABAII Unitour đã được tổ chức thành công tại Đại học Thương mại, Đại học Luật TPHCM, Đại học Văn Lang, Đại học Y dược TPHCM, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, Đại học FPT Cần Thơ, Học viện Bưu chính Viễn thông, Học viện Ngân hàng, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Đại học Công nghệ TPHCM,… |