Blockchain – Cầu nối hội nhập tài chính toàn cầu

Giá trị thị trường dịch vụ blockchain trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng sẽ đạt 175 tỷ USD vào năm 2025 và 3.000 tỷ USD vào năm 2030, được nhiều tập đoàn lớn như Amazon Web Services, Microsoft, IBM, Intel, JP Morgan, PwC, và Deloitte tích cực ứng dụng. Dự báo này được ông Phan Hồng Quân dẫn chiếu từ báo cáo của Gartner, Trưởng ban Hội viên Hiệp hội Blockchain Việt Nam, chia sẻ tại Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam 2024.

Ông Phan Hồng Quân, Trưởng ban Hội viên Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nhấn mạnh Blockchain đang nổi lên như một công nghệ then chốt cho hội nhập tài chính toàn cầu.

Ra đời vào năm 2008 bởi lập trình viên Satoshi Nakamoto, blockchain lần đầu được giới thiệu dưới dạng hệ thống của Bitcoin – đồng tiền mã hóa có giá trị cao nhất hiện nay. Blockchain được coi là một giải pháp đột phá cho hệ thống tài chính truyền thống, vốn đang đối mặt với nhiều thách thức như tốc độ xử lý chậm, chi phí cao, thiếu minh bạch và dễ bị thao túng.

Công nghệ này cho phép lưu trữ dữ liệu theo khối, tạo nên một hệ thống phi tập trung, minh bạch, an toàn và hiệu quả hơn. Ông Phan Quân dẫn chứng sự thành công của Ripple, một công ty Fintech sử dụng blockchain cho thanh toán xuyên biên giới, có khả năng xử lý hàng triệu giao dịch mỗi giây với chi phí thấp hơn so với hệ thống ngân hàng truyền thống.

Một ví dụ khác về tiềm năng của blockchain là Circle, đơn vị phát hành stablecoin USDC được neo giá với đồng đô la Mỹ, cho thấy khả năng tạo ra một hệ thống tiền tệ kỹ thuật số ổn định. Hay như Chainalysis, một tổ chức chuyên phân tích dữ liệu blockchain, đã hỗ trợ FBI và các chính phủ điều tra tội phạm tài chính, góp phần thu hồi 30 triệu USD trong số 635 triệu USD bị đánh cắp trong vụ hack Axie Infinity.

Theo báo cáo của IBM, vào năm 2020, có 66% ngân hàng trên 16 quốc gia đã bắt đầu ứng dụng blockchain. Đồng thời, Gartner dự báo giá trị thị trường dịch vụ blockchain trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng sẽ đạt 175 tỷ USD vào năm 2025 và 3.000 tỷ USD vào năm 2030. Nhiều tập đoàn lớn như Amazon Web Services, Microsoft, IBM, Intel, JP Morgan, PwC, và Deloitte đều đang tích cực áp dụng blockchain vào hoạt động của mình.

Tại Việt Nam, các ngân hàng như Techcombank, HDBank và TPBank đã sử dụng blockchain cho giao dịch L/C quốc tế, trong khi HDBank hợp tác với Galaxy Fintech để phát triển dịch vụ ngân hàng số. Tuy nhiên, khung pháp lý cho tài sản số hiện nay vẫn chưa hoàn thiện. Ông Phan Quân nhấn mạnh rằng, Chính phủ cần sớm ban hành các quy định rõ ràng để tạo điều kiện cho công nghệ này phát triển, giúp Việt Nam không bị tụt hậu so với các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Đông đảo lãnh đạo, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, cùng thảo luận về các chủ đề như kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển bền vững và Fintech,… tại Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam 2024.

Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam 2024 được tổ chức bởi Trường Đại học Kinh tế – Luật (UEL), ĐHQG-HCM phối hợp cùng Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam (IDG), dưới sự bảo trợ của UBND TP.HCM. Sự kiện đã thu hút đông đảo lãnh đạo, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, tập trung thảo luận về các chủ đề như kinh tế số, chuyển đổi số, an ninh dữ liệu, tín dụng xanh, phát triển bền vững và Fintech.