Blockchain đóng góp lợi ích gì cho quân sự – quốc phòng?

Sáng ngày 28.9, Bộ Tư lệnh 86 tổ chức Hội thảo khoa học “Tiềm năng ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực quân sự – quốc phòng” do Thiếu tướng Tống Viết Trung – Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86 chủ trì. Hội thảo có sự tham dự của đại biểu đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài quân đội.

Khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Tống Viết Trung có đôi lời về tiềm năng và vai trò của blockchain: “Công nghệ blockchain đang trở thành xu hướng nghiên cứu cho các ứng dụng tiềm năng của rất nhiều ngành bởi ưu điểm có khả năng quản trị dữ liệu một cách toàn vẹn, minh bạch và có độ tin cậy cao. Khả năng quản trị dữ liệu này được xem là yếu tố quan trọng trong nghiên cứu thí điểm và triển khai mô hình chính phủ điện tử tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt nhiều nghiên cứu đã chỉ ra vai trò có ý nghĩa quan trọng của công nghệ này trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng vì vậy ứng dụng công nghệ Blockchain đã trở thành mục tiêu chung của quân đội các nước trên thế giới”. 

Thiếu tướng Tống Viết Trung phát biểu khai mạc hội thảo
Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam

Blockchain là một loại công nghệ sổ cái do cộng đồng người dùng quản lý, đảm bảo bảo mật truyền và truy cập bằng mật mã, cho phép lưu trữ dữ liệu nhất quán và ngăn chặn mọi nỗ lực thay đổi dữ liệu hoặc cam kết từ chối. Công nghệ này lần đầu tiên được áp dụng để tạo ra tiền mã hoá như Bitcoin và Ethereum.

Kể từ khi ra đời vào năm 2008, công nghệ này đã nâng cấp từ Blockchain 1.0 (giai đoạn Tiền kỹ thuật số) lên Blockchain 2.0 (giai đoạn liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của công nghệ hợp đồng, được áp dụng điển hình nhất trong Ethereum) và bây giờ là Blockchain 3.0 (kỷ nguyên ứng dụng công nghệ blockchain toàn diện, trong đó sẽ phát triển từ “Ứng dụng phi tập trung – DApp” thành “Công ty tự trị phi tập trung – DAC”, sau đó là “Tổ chức tự trị phi tập trung DAO” và cuối cùng là “Xã hội tự trị phi tập trung – DAS”).

Trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động, khoa học công nghệ là nền tảng xây dựng quân đội hiện đại. Do đó, những thành tựu tiên tiến nhất của công nghệ, chẳng hạn như blockchain, nên được ứng dụng trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. 

Tại hội thảo khoa học “Tiềm năng ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực quân sự – quốc phòng”, ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam có bài tham luận về ứng dụng của công nghệ blockchain vào các lĩnh vực hậu cần quân sự, quản lý hệ thống điều khiển vũ khí, cơ sở dữ liệu và đảm bảo an ninh mạng. 

Ông Trung cho biết, blockchain có thể được ứng dụng trong quân sự theo 4 cách: ngăn chặn tấn công mạng quốc phòng, quản lý các hệ thống tự động, bảo mật hệ thống truyền thông tin trên chiến trường và quản lý chuỗi cung ứng, hậu cần. Cụ thể, ông nêu quan điểm: “Quản lý chuỗi cung ứng hậu cần sẽ là bài toán tài chính, ngăn chặn tấn công mạng lại là vấn đề của bảo mật, quản lý hệ thống tự động liên quan đến mảng IoT, Big Data, Machine Learning và AI…”.

Hội thảo có sự tham dự của đại biểu đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Ảnh: Bộ Tư lệnh 86

Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang cải tiến công nghệ theo hướng tối ưu hóa luồng thông tin và quá trình tương tác giữa các cấp, các đơn vị trong quân ngũ nhưng đồng thời cũng đảm bảo tính minh bạch và toàn vẹn dữ liệu. Phần lớn binh sĩ hiện nay đều thành thạo sử dụng các thiết bị trên chiến trận. Các chỉ huy xem video được truyền phát theo thời gian thực về không gian chiến đấu. Hậu cần và chuỗi cung ứng trong quân ngũ cũng đang được điều phối và quản lý bởi tổ hợp công nghệ kỹ thuật số. Các công nghệ tương lai như dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud computing) đã và đang là nền tảng của nhiều hệ thống an ninh mạng quốc phòng trên toàn cầu.  

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết các cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc đang nghiên cứu sử dụng blockchain để bảo vệ chuỗi cung ứng quốc phòng hoặc thành lập phòng nghiên cứu cho mục đích “blockchain hóa” hệ thống thông tin liên lạc.

Công nghệ Blockchain có thể đóng góp vào công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam bằng mạng phân quyền, khiến kẻ tấn công không thể khai thác một điểm lỗi duy nhất. Việc áp dụng blockchain trong lĩnh vực quân sự/ quốc phòng có thể giúp phát hiện xâm nhập trái phép vào mạng lưới, giám sát cơ sở hạ tầng, quản lý chuỗi cung ứng, hậu cần và đảm bảo thông tin liên lạc giữa các đơn vị được mã hóa an toàn. 

Tuy nhiên, đa phần các ứng dụng quân sự được xây dựng trên nền tảng blockchain cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng để đưa vào thực tế. Ông Phan Đức Trung nhận định: “Chúng ta có thể tham khảo bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước, dành ra ngân sách cho hoạt động nghiên cứu, tập hợp nguồn nhân lực trong việc phát triển, thử nghiệm blockchain vào thực tiễn quân sự Việt Nam, để trong tương lai gần, blockchain có thể góp phần nâng cao năng lực hậu cần quốc phòng và bảo mật dữ liệu”.