Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam đối thoại cùng chuyên gia quốc tế về khung pháp lý Blockchain tại Consensus Hong Kong 2025  

Ngày 18-20/02/2025, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), đã tham gia sự kiện Consensus Hong Kong 2025, một trong những hội nghị uy tín hàng đầu về Blockchain và Fintech. Sự kiện quy tụ hơn 10.000 đại biểu từ hơn 50 quốc gia, bao gồm các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế và định hướng phát triển công nghệ blockchain trong tương lai.

Trong khuôn khổ hội nghị, ông Phan Đức Trung đã tham gia phiên thảo luận với chủ đề “Phá bỏ giới hạn – Quan điểm về các quy định pháp lý toàn cầu”, cùng các chuyên gia quốc tế gồm ông Albert Isola, cựu Bộ trưởng Chính phủ Gibraltar, người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng khung pháp lý đầu tiên cho công nghệ sổ cái phân tán (DLT); bà Kullarat Phongsathaporn, Cố vấn Đặc biệt tại Baker McKenzie, chuyên gia hàng đầu về fintech và blockchain tại Thái Lan; và ông Steve Vallas, Giám đốc Blockchain APAC, một trong những người tiên phong trong lĩnh vực blockchain tại Úc.

Toàn cảnh phiên thảo luận về quy định pháp lý blockchain tại Consensus Hong Kong 2025
Toàn cảnh phiên thảo luận về quy định pháp lý blockchain tại Consensus Hong Kong 2025

Tại phiên thảo luận, ông Trung nhấn mạnh tầm quan trọng của một khung pháp lý minh bạch và rõ ràng cho tài sản số. Ông cho biết, việc Việt Nam dự kiến thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số (CNCNS) vào tháng 5/2025 sẽ tạo ra nền tảng pháp lý vững chắc, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

“Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng khung pháp lý này. Luật CNCNS không chỉ giúp thu hút đầu tư nước ngoài mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững. Đặc biệt, luật sẽ góp phần nâng cao tính thanh khoản của tài sản thực (RWA) và khuyến khích dòng vốn đầu tư dài hạn,” ông Trung khẳng định.

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch VBA phát biểu về lợi ích của khung pháp lý trong việc thu hút đầu tư và phát triển bền vững của nền kinh tế số tại Việt Nam
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch VBA phát biểu về lợi ích của khung pháp lý trong việc thu hút đầu tư và phát triển bền vững của nền kinh tế số tại Việt Nam

Bên cạnh đó, ông Trung cũng bày tỏ quan ngại về sự gia tăng của meme coin, loại hình tiền mã hoá được tạo ra với mục đích giải trí đang ngày càng phổ biến trên thị trường. Ông nhận định, mặc dù meme coin có thể giúp nâng cao nhận thức về blockchain tại các quốc gia phát triển như Mỹ và EU. Tuy nhiên, tại các quốc gia đang phát triển, đặc biệt ở Đông Nam Á và châu Phi, việc phát hành meme coin có thể trở thành công cụ cho các đối tượng huy động vốn thiếu minh bạch.

Nhân đây, ông cũng giới thiệu ChainTracer – một chương trình truy vết, phát hiện dấu hiệu gian lận lừa đảo tài sản số do VBA hợp tác cùng Công ty TNHH Xã hội Chống lừa đảo sáng lập. Tính từ tháng 5/2023 đến hết năm 2024, chương trình đã tiếp nhận và xử lý gần 60 vụ việc có dấu hiệu lừa đảo trên blockchain, với tổng thiệt hại ước tính gần 8 triệu USD. Ngoài ra, VBA cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các vụ tấn công, điển hình là vụ tấn công và đánh cắp 47 triệu USD của Kyber Elastic. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, VBA đã phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước để điều tra và xác định đối tượng tấn công, góp phần khôi phục tài sản và bảo vệ quyền lợi của người dùng.

Đối thoại cùng các chuyên gia quốc tế, ông Trung chia sẻ về việc triển khai cơ chế thử nghiệm sandbox tại Việt Nam, một cơ chế quan trọng giúp các công ty công nghệ thử nghiệm các sản phẩm và mô hình kinh doanh mới trong một môi trường có kiểm soát. Chính phủ Việt Nam đang triển khai sandbox tại các trung tâm tài chính như Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, tạo điều kiện cho các tổ chức sáng tạo mà không gặp phải những rào cản pháp lý quá lớn. Đây là bước đi quan trọng không chỉ trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn trong việc đưa tài sản số vào nền kinh tế chính thức, góp phần tạo ra một thị trường tài sản số an toàn và bền vững.

Trong phiên thảo luận, bà Kullarat Phongsathaporn đã cung cấp thông tin về những bước tiến đáng chú ý trong khung pháp lý của Thái Lan, quốc gia tiên phong trong việc xây dựng quy định tài sản số tại châu Á. Kể từ năm 2018, Thái Lan đã nỗ lực hoàn thiện các quy định nhằm bảo vệ người tiêu dùng và quản lý rủi ro trong lĩnh vực tài chính số, đặc biệt là bảo mật tài sản và hệ thống công nghệ thông tin. Bà Phongsathaporn cũng nhấn mạnh một số sáng kiến quan trọng như Sandbox thanh toán có thể lập trình của Ngân hàng Thái Lan, cũng như sự ra mắt của Phuket Crypto Sandbox tại DevCon 2024. Những sáng kiến này không chỉ hỗ trợ mã hóa tài sản thực, như bất động sản, mà còn tạo ra nền tảng bền vững để các doanh nghiệp Web3 và blockchain phát triển, từ đó thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư quốc tế.

Ông Albert Isola, cựu Bộ trưởng Chính phủ Gibraltar, nhấn mạnh rằng một khung pháp lý rõ ràng là yếu tố tiên quyết để thúc đẩy sự phát triển của ngành tài sản số. Theo ông, môi trường pháp lý minh bạch không chỉ bảo vệ nhà đầu tư mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận hành hiệu quả. Ông cũng cho rằng, đối với các nước đang phát triển, việc xây dựng hành lang pháp lý vững chắc không chỉ giúp thu hút dòng vốn đầu tư mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường tài chính quốc tế. “Nhiều quốc gia vẫn nằm trong danh sách xám về tài chính, gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng huy động vốn và phát triển kinh tế. Một khung pháp lý chặt chẽ về chống rửa tiền (AML) và tài sản số sẽ giúp họ cải thiện vị thế, tiến tới xây dựng một hệ sinh thái kinh tế số bền vững”, ông chia sẻ.

Cùng quan điểm về vai trò của chính sách pháp lý, ông Steve Vallas, Giám đốc BlockchainAPAC, cho biết Úc đã chọn cách tiếp cận thận trọng đối với tài sản số, tập trung vào việc thử nghiệm trong môi trường có kiểm soát. Các chương trình như RegTech Forum và Australian Policy Week được triển khai nhằm giúp doanh nghiệp blockchain hiểu rõ hơn về yêu cầu pháp lý trước khi mở rộng hoạt động ra quốc tế. Ông Vallas cũng chỉ ra thách thức lớn nhất đối với sự phát triển của blockchain hiện nay chính là sự thay đổi liên tục của các chính sách và quy định giữa các quốc gia. Doanh nghiệp cần theo dõi sát sao động thái từ cơ quan quản lý để kịp thời điều chỉnh chiến lược. Một hệ sinh thái blockchain bền vững không chỉ dựa vào công nghệ mà còn phụ thuộc vào mức độ hỗ trợ từ chính phủ.

Consensus HongKong 2025 là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình định hình chính sách và quy định pháp lý blockchain toàn cầu. Sự góp mặt của Hiệp hội Blockchain Việt Nam cùng các chuyên gia quốc tế cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc xây dựng một thị trường tài sản số minh bạch và bền vững. 

Bài viết liên quan:

Tài sản số – Điểm nhấn của Luật Công nghiệp Công nghệ số

Hiệp hội Blockchain Việt Nam ký Hợp tác Phát triển Trung tâm tài chính với UBND TP Đà Nẵng