Để mở rộng phạm vi hoạt động và hỗ trợ hệ sinh thái công nghệ Đà Nẵng, ngày 28/7, các đại diện của Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ghé thăm và làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Đà Nẵng nhằm thảo luận về kế hoạch hợp tác và đồng hành phát triển ngành công nghệ Blockchain tại đây.
Bà Lê Thị Thục – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng
Tiếp đoàn Hiệp hội Blockchain Việt Nam, có bà Lê Thị Thục – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng; Ông Huỳnh Sang – Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng; Ông Nguyễn Viết Toàn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng; cùng đại diện các Phòng, Trung tâm thuộc Sở.
Ông Trần Việt Hùng – Ban cố vấn Hiệp hội Blockchain Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc
Về phía Hiệp hội Blockchain Việt Nam có ông Trần Việt Hùng – Cố vấn cấp cao Hiệp hội; Ông Phan Đức Trung – Phó Chủ Tịch Thường Trực; Ông Trần Mạnh Huy – Trưởng đại diện phụ trách Văn phòng Đà Nẵng; cùng thành viên đoàn công tác.
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Thị Thục đã giới thiệu về những cơ chế, chính sách hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng về khoa học công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, bày tỏ, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng với các thành viên trong Hiệp hội Blockchain Việt Nam, theo đó Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng là đầu mối hợp tác, kết nối, chia sẻ thông tin.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, thay mặt đoàn công tác Hiệp hội Blockchain Việt Nam, ông Trần Việt Hùng cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, trao đổi hiệu quả của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, mong muốn trong thời gian tới hai bên sẽ có cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động khoa học công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong việc phát triển Blockchain tại Đà Nẵng và kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên trong Hiệp hội Blockchain Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng.
Trong thời gian sắp tới, Hiệp hội định hướng đồng hành Thành phố Đà Nẵng tổ chức các buổi đào tạo và hội thảo về blockchain cho cộng đồng địa phương, nhằm tăng cường nhận thức và hiểu biết về công nghệ này, xây dựng mối quan hệ với các trường đại học và tổ chức giáo dục khác để thúc đẩy sự phát triển và nghiên cứu về blockchain, cung cấp hỗ trợ cho các dự án và khởi nghiệp liên quan đến blockchain.
Ông Trần Mạnh Huy – Trưởng đại diện phụ trách Văn phòng Đà Nẵng Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ tại sự kiện Web3 tổ chức ở Đà Nẵng
“Đà Nẵng là một trong những thành phố phát triển nhanh tại Việt Nam. Việc thành lập văn phòng đại diện tại Đà Nẵng sẽ giúp Hiệp hội mở rộng phạm vi hoạt động đến khu vực Miền Trung và Tây Nguyên của Việt Nam, tiếp cận và hỗ trợ các công ty, tổ chức và cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực blockchain và công nghệ liên quan ở khu vực này. Bên cạnh đó, tăng cường giao lưu và hợp tác với các cơ quan chính phủ, tổ chức địa phương, trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp khu vực, thúc đẩy chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và tạo ra các cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực blockchain”, ông Trần Mạnh Huy chia sẻ.
Ông Huy cho biết, trước sự phát triển quá nhanh của blockchain, hiện nay tại Việt Nam đang tồn tại một số dự án chưa thực sự mang lại giá trị và cần sớm điều chỉnh để tạo đà phát triển ổn định. Một trong các chương trình trọng điểm của Hiệp hội năm 2023 là ChainTracer. Đây là chương trình giám sát dự án Web3 đặc biệt có sự phối hợp của công nghệ và các chuyên gia pháp lý cùng các đối tác quốc tế phát hiện tính bất thường của các dự án sử dụng các kỹ thuật cũng như né tránh và khai thác các khoảng trống pháp lý ở các quốc gia. Về chương trình thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, Hiệp hội giới thiệu SwitchUp, chương trình được vận hành phối hợp với Spores Network để tìm kiếm các startup Web3 nổi bật, hỗ trợ startup phát triển bền vững trong hệ sinh thái blockchain từ những bước chân đầu tiên tại Việt Nam và quốc tế.
Bên cạnh đó, để từng bước thực hiện mục tiêu lan toả, phổ cập kiến thức về công nghệ blockchain, Hiệp hội sẽ tiếp tục ra mắt các tác phẩm kế tiếp trong Tủ sách Blockchain, được giới thiệu lần đầu vào tháng 8/2022 và rất cần các chuyên gia tham gia quá trình hiệu đính, góp ý xây dựng nội dung. Việc thành lập Văn phòng đại diện Hiệp hội tại Đà Nẵng chắc chắn sẽ tạo điều kiện kết nối thúc đẩy lĩnh vực blockchain ứng dụng với thành phố mạnh mẽ hơn nữa. Các tuyến chuyên gia không chỉ công nghệ mà cả pháp lý và kinh tế sẽ phối hợp cùng thành phố trao đổi các bài toán ứng dụng đa chiều có ý nghĩa thực tế hơn.
Trong tiến trình phát triển thành phố giai đoạn 2021 – 2025, Đà Nẵng xác định Chuyển đổi số là “chìa khóa chính” để chủ động tiếp cận Cuộc cách mạng lần thứ tư theo chủ trương của Bộ Chính trị; bước chuyển tất yếu, mang tính bắt buộc, nhằm chuyển đổi căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo của các cấp; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền… Hạt nhân của cách mạng số chính là lĩnh vực ICT, vai trò các doanh nghiệp ICT là đem các ứng dụng Công nghệ số vào trong đời sống xã hội. Trong đó, công nghệ Blockchain sẽ giúp đẩy nhanh các ứng dụng vào chính quyền số, xã hội số, qua đó xây dựng nền kinh tế số phát triển, thành công trong tương lai gần.
Blockchain là một trong những công nghệ được chính quyền Đà Nẵng đặt ưu tiên hàng đầu. Các hội thảo về Web3, blockchain liên tục được tổ chức tại Đà Nẵng là tín hiệu tích cực cho thấy công nghệ này đang thu hút sự quan tâm của cơ quan quản lý và cộng đồng công nghệ địa phương. Việc giảng dạy blockchain đã được đưa vào giảng dạy chính thức và bài bản ở các trường đại học trên địa bàn, như trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng là một ví dụ.