Đổi mới và ứng dụng công nghệ Fintech & Blockchain trong kinh tế số 

Ngày 18/7/2024, hơn 400 sinh viên từ khoa Tài chính Thương mại, Marketing & Thương mại Điện Tử của Trường Đại học Hutech đã tham gia tọa đàm “Đổi mới và Ứng dụng Công nghệ Fintech & Blockchain trong Kinh tế số” với sự tham dự của các chuyên gia từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII. 

Tọa đàm “Đổi mới và Ứng dụng Công nghệ Fintech & Blockchain trong Kinh tế số” đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt và tham gia tích cực của hơn 400 sinh viên Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh 

Ông Trần Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) mở đầu tọa đàm tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM (Hutech) với bài trình bày tổng quan về tình hình phát triển, xu hướng và chính sách pháp lý ảnh hưởng tới môi trường Fintech cũng như những ví dụ thực tế về các mô hình kinh doanh thành công, giúp sinh viên nâng cao kiến thức, hiểu biết về lĩnh vực này. 

Theo ông Trần Dinh, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có triển vọng nhất trong số các thị trường fintech chưa được khai thác nhờ tỷ lệ người dùng Internet cao với gần 80% dân số sử dụng internet và hơn 78 triệu người sử dụng điện thoại thông minh vào đầu năm 2024. Hơn 50% dân số Việt Nam hiện dưới 35 tuổi, nhóm này rất năng động và dễ dàng chấp nhận các công nghệ mới. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số và thay đổi hoàn toàn thói quen thanh toán sang hình thức online của một bộ phận người dùng. 

Ông Trần Dinh nhấn mạnh triển vọng về việc Việt Nam đang vươn lên thành một trong những thị trường Fintech có khả năng tăng trưởng nhanh nhất trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thực tế phát triển của ngành fintech tại Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng. Quy mô thị trường Fintech Việt Nam khá khiêm tốn, ước đạt giá trị hơn 16 tỷ USD vào năm 2024 với chỉ 263 doanh nghiệp fintech, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như thanh toán, cho vay, bảo hiểm, và quản lý tài sản. Trong đó bao gồm 51 tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép làm trung gian thanh toán, 16 công ty tài chính (tính đến tháng 3/2024). Số lượng này cách xa so với ngay cả các quốc gia láng giềng như Singapore với 1.580 công ty, Malaysia 612 công ty, Thái Lan 293 công ty,… 

Để thúc đẩy ngành fintech, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khởi động Dự thảo Nghị định Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng từ năm 2021. Tuy nhiên, trải qua 7 lần dự thảo, tới thời điểm tháng 3/2024, chỉ còn Chỉ còn 3 giải pháp được phép thử nghiệm tại Dự thảo Nghị định về sandbox cho Fintech là (1) chấm điểm tín dụng; (2) chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); (3) cho vay ngang hàng (P2P Lending). Thời gian thử nghiệm tối đa là 2 năm. 

“Tôi cho rằng dự thảo này có ý nghĩa quan trọng, là nền tảng thúc đẩy sự phát triển của ngành fintech Việt Nam trong thời gian tới”, ông Trần Dinh nhấn mạnh. 

Ba giải pháp công nghệ dự kiến được Ngân hàng Nhà nước cho phép thử nghiệm trong thời gian tới, hứa hẹn mang đến bước đột phá cho lĩnh vực tài chính và ngân hàng tại Việt Nam.

 Tiếp nối bài trình bày của ông Trần Dinh, các diễn giả Nguyễn Hoàng Minh, đại diện FireGroup Technology, đã chia sẻ về sự phát triển của công nghệ Fintech, sự đổi mới trong dịch vụ tài chính ngân hàng, cùng những thách thức và giải pháp. Ông Nguyễn Cao Tấn Khải, đại diện Chainlink Việt Nam chia sẻ về các yếu tố của nền kinh tế vạn vật liên kết nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về sự liên kết giữa các hệ thống, cải thiện hiệu quả và bảo mật thông tin, mở ra cơ hội mới cho sự phát triển và ứng dụng công nghệ Fintech & Blockchain trong nền kinh tế số.

(Từ trái sang phải) Ông Trần Dinh (Chủ nhiệm UB Ứng dụng Fintech, VBA), bà Lê Vũ Hương Quỳnh (Giám đốc Phát triển thị trường Việt Nam của Tether), ông Nguyễn Hoàng Minh (Đại diện Fire Group Technology), ông Nguyễn Cao Tấn Khải (Đại diện Chainlink Việt Nam) và MC, thảo luận về các thách thức và cơ hội việc làm trong ngành Fintech dành cho các bạn sinh viên.

Trong khuôn khổ tọa đàm, các cán bộ giảng viên, sinh viên Hutech đã cùng tham gia phiên thảo luận với chủ đề “Tương lai của Fintech & Blockchain trong kinh tế số” với sự tham dự của ông Hàng Minh Lợi (Giám đốc Trung tâm Sáng tạo AI – AIIC, thuộc viện ABAII), bà Lê Vũ Hương Quỳnh (đại diện Tether) và ông Nguyễn Cao Tấn Khải (đại diện Chainlink Việt Nam). Các chuyên gia đã cùng thảo luận về hiện trạng, xu hướng phát triển, thách thức và cơ hội của Fintech và Blockchain tại Việt Nam và trên thế giới; Thách thức và cơ hội khi ứng dụng Fintech và Blockchain vào kinh tế số cũng như cách thức mà các doanh nghiệp và tổ chức có thể hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của Fintech và Blockchain để định hình tương lai của ngành Fintech. 

Đại diện trường đại học Hutech trao thư cảm ơn cho các chuyên gia và diễn giả đã tham dự chương trình và chia sẻ kiến thức, kỹ năng về đổi mới và ứng dụng công nghệ Fintech & Blockchain. 

Theo bà Lê Vũ Hương Quỳnh, “Việt Nam có cơ hội tuyệt vời để trở thành trung tâm fintech và blockchain hàng đầu ở Đông Nam Á nhờ lực lượng lao động trẻ và có trình độ tốt, cũng như tinh thần sẵn sàng thay đổi. Để đạt được điều này, giáo dục và đào tạo cần được đầu tư mạnh mẽ để tạo ra một lực lượng lao động sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng này”. 

Bên cạnh các kiến thức và kỹ năng chuyên môn, các bạn sinh viên Trường Đại học Hutech cũng được chia sẻ, kết nối với các chuyên gia doanh nghiệp, tăng cơ hội nghề nghiệp và khuyến khích tham gia các dự án khởi nghiệp với Fintech & Blockchain. 

Các bạn sinh viên tích cực đặt câu hỏi, đặc biệt là các kĩ năng cần trang bị khi bước vào thị trường Fintech