Hiệp hội Blockchain Việt Nam góp ý về Tài sản số với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội 

Ngày 11/7/2024, Hiệp hội Blockchain Việt Nam và đơn vị thành viên CTCP AlphaTrue đón tiếp đoàn công tác từ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn, tới thăm và làm việc nhằm góp ý xây dựng Luật công nghiệp, công nghệ số lần thứ 2.

Các lãnh đạo VBA đón tiếp đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn, tới thăm và làm việc lần 2 tại trụ sở Hiệp hội. 

Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội (KHCN&MT) do đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn và các thành viên Ủy ban: Ủy viên Thường trực Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường trực Nguyễn Ngọc Sơn, ủy viên chuyên trách Lê Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT Trần Ngọc Hoa. Đoàn công tác còn có các đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cùng các cơ quan chính quyền địa phương tham gia và trao đổi góp ý tại trụ sở Hiệp hội Blockchain Việt Nam trên địa bàn TPHCM. 

Về phía Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) có ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực VBA; Ông Trần Việt Hùng, Nguyên Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng; Bà Nguyễn Vân Hiền, Tổng Thư ký VBA, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII; Ông Trần Huyền Dinh, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành CTCP AlphaTrue; Ông Phạm Anh Khôi, Giám đốc đầu tư CTCP Decom Invest và ông Hàng Minh Lợi, Giám đốc CTCP DecomStars.

Đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội chia sẻ về mục đích của buổi làm việc.

Chia sẻ về mục đích của chuyến viếng thăm, đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT cho biết: “Sau buổi làm việc đầu tiên với VBA về góp ý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số ngày 15/6 vừa qua, đoàn đại biểu chúng tôi mong muốn 2 bên tiếp tục thảo luật sâu hơn, nhằm đưa ra những đề xuất, khuyến nghị cụ thể hơn, dựa trên những báo cáo nghiên cứu và phân tích chuyên sâu từ phía VBA. Các nội dung này sẽ góp phần quan trọng trong công tác nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.”

Ở lần làm việc thứ 2 này, các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành như CTCP AlphaTrue, một đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực web3 với các giải pháp toàn diện về Fintech, các sản phẩm Gamification và các sản phẩm phục vụ cộng đồng như chương trình truy vết các dự án lừa đảo ChainTracer, cấp chứng chỉ NFT,… 

Ông Trần Huyền Dinh, Nhà Sáng lập, CEO CTCP AlphaTrue cho biết, “AlphaTrue là một startup cung cấp chiến lược đa ngành và giải pháp toàn diện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực Blockchain và thế giới web3. Đặc biệt, bên cạnh việc hỗ trợ các cá nhân khởi nghiệp, ươm tạo các dự án hay cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp đối tác, AlphaTrue mong muốn được đóng góp vào quá trình xây dựng và thúc đẩy cộng đồng tuân thủ khung pháp lý về Tài sản số, tài sản ảo đang trong quá trình được xây dựng và ban hành”. 

Ông Trần Huyền Dinh, Nhà sáng lập, CEO ALphaTrue chia sẻ về hoạt động công ty trước các đại biểu Quốc hội sáng ngày 11/7/2024. 

Về vấn đề khung pháp lý cho tài sản số, ông Phan Đức Trung nhấn mạnh, việc xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, toàn diện, cần phải được đặt nền móng từ việc luật hóa một định nghĩa hoàn chỉnh, toàn diện về Tài sản số. 

Hiện tại, dự luật CNCNS đang quy định, Tài sản số bao gồm: token chứng khoán/tài sản mã hóa dạng chứng khoán; token thanh toán; Token tiện ích và token hỗn hợp các loại trên. 

“Theo tôi, định nghĩa này chưa đầy đủ, cần được mở rộng để bao hàm 4 loại Tài sản số chính là: Tài sản mã hoá, Tài sản Thực được token hoá, Tài sản ảo và Tiền kỹ thuật số Ngân hàng Trung ương nhằm đảm bảo tính toàn diện của quản lý nhà nước, đồng thời đáp ứng nhu cầu và xu thế phát triển của công nghệ hiện đại”, ông Trung nhấn mạnh. 

Ông Phan Đức Trung khuyến nghị trực tiếp với các Đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến Tài sản số, đặc biệt, cần định nghĩa đầy đủ, toàn diện loại tài sản này để quản lý hiệu quả. 

Tiếp nối chương trình, ông Phạm Anh Khôi, Giám đốc đầu tư CTCP Decom Invest đã trình bày về Ứng dụng Tài sản thực được token hóa (Real world assets – RWA) và blockchain trong quản lý Tài nguyên và Môi trường, cụ thể là trong Quản lý rừng và tài nguyên thiên nhiên, quản lý chất thải, Giám sát biến đổi khí hậu, Quản lý thông tin đất đai, và bất động sản.

Đối với các vấn đề liên quan đến Trí tuệ nhân tạo (AI), ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII đã đóng góp nhiều ý kiến về hướng tiếp cận, quản lý phù hợp thông lệ quốc tế, nhấn mạnh đến vấn đề đạo đức AI và tiêu chuẩn cộng đồng, với mong muốn các quy định pháp lý sắp được ban hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tận dụng hết các thế mạnh hiện nay như dân số trẻ, khả năng tiếp cận công nghệ nhanh và sẵn sàng đổi mới trong tiến trình hội nhập xu thế công nghệ số toàn cầu. 

Sau các bài trình bày, đóng góp ý kiến, đoàn công tác Ủy ban KHCN&MT Quốc hội và các lãnh đạo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, CTCP AlphaTrue đã có phiên thảo luận thẳng thắn, cởi mở về những ứng dụng thực tiễn của công nghệ blockchain để cùng tìm kiếm các giải pháp chung.

Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến góp ý quan trọng của VBA về Tài sản số được nêu tại điều 10 của dự thảo Luật Công nghiệp và công nghệ số dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 8 sắp tới. 

Trước đó, ngày 15/6/2024, đoàn công tác từ Ủy ban KHCN&MT do đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban dẫn đầu đã đến thăm và làm việc lần đầu về dự thảo Luật CNCNS tại văn phòng đại diện Hà Nội. 

Đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban phát biểu khai mạc buổi làm việc ngày 15/6 với Hiệp hội Blockchain Việt Nam.