Hội thảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác hành chính tại Văn phòng Chính phủ 

Ngày 12/3, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII phối hợp Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội thảo “Ứng dụng AI trong công tác hành chính” cho các cán bộ, lãnh đạo cơ quan này.

Tại hội thảo, các chuyên gia của VBA và Viện ABAII đã chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về Trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt nhấn mạnh đến các Ứng dụng thực tiễn của AI trong công tác hành chính như tóm tắt văn bản, xử lý báo cáo, phân tích dữ liệu để ra quyết định; xa hơn nữa là giúp rà soát, giám sát, đánh giá các thủ tục hành chính; phân tích dữ liệu lớn để cải thiện môi trường kinh doanh; cải thiện dịch vụ công trực tuyến thông qua chatbots và trợ lý ảo AI. 

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực VBA điều phối chương trình chia sẻ về AI và ứng dụng của AI trong công tác hành chính tại Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính. 

Các chuyên gia VBA và Viện ABAII cũng đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy AI vào công tác hành chính, đi kèm với các ví dụ ứng dụng cụ thể, trực quan về cách sử dụng hiệu quả AI nhằm đạt được hiệu quả tối ưu, đồng thời cung cấp 11 công cụ phù hợp nhất trong việc cải thiện hiệu quả quản trị thủ tục hành chính. 

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực VBA, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Viện ABAII khuyến nghị, đối với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cần có sự phân cấp cụ thể ở các cấp độ: Cán bộ IT, cán bộ vận hành – khai thác dữ liệu, cán bộ lãnh đạo. Trong đó, các vấn đề quan trọng cần quan tâm là bảo mật dữ liệu và đào tạo tập huấn cán bộ vận hành, đồng thời cung cấp bộ công cụ AI phù hợp với nhu cầu sử dụng của đơn vị này.

Ông Đào Trung Thành, Viện Phó Viện ABAII nhấn mạnh, bên cạnh các chương trình tập huấn, hội thảo về AI để các cán bộ VPCP và các cơ quan nhà nước khác hiểu rõ về công nghệ, ứng dụng và tiềm năng của AI trong cải cách hành chính thì cũng cần phát triển tài liệu, video tuyên truyền để giáo dục công chúng về lợi ích và cách thức tiếp cận dịch vụ hành chính thông qua AI; đồng thời tìm hiểu về các trường hợp sử dụng AI thành công và các thách thức cụ thể trong lĩnh vực hành chính, để định hình các sáng kiến AI phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tiễn.  

Các lãnh đạo VBA mà đầu mối triển khai là Viện ABAII cam kết hỗ trợ, đồng hành trong việc đào tạo, chuyển giao công nghệ liên quan đến mảng vận hành các công cụ phù hợp với nhu cầu và mong muốn của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo VPCP. 

Ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện ABAII cam cam kết hỗ trợ, đồng hành trong việc đào tạo, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo VPCP.

Về phía, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Cục trưởng Ngô Hải Phan cho biết đơn vị này có chức năng tham mưu cho Chính phủ trong việc kiểm soát thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện việc kiểm soát thủ tục hành chính, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trong phạm vi cả nước, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, giúp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với khối lượng công việc lớn như vậy, việc ứng dụng các công nghệ mới như AI là rất cần thiết nhằm rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả công việc. 

Tuy nhiên, ông Phan cũng chia sẻ sự khó khăn khi ứng dụng công nghệ AI vì phần lớn các ứng dụng AI phát triển nhất hiện nay đều đến từ châu Âu, châu Mỹ nên quá trình áp dụng tại Việt Nam sẽ nảy sinh những vấn đề do khác biệt văn hoá, pháp luật và hệ thống dữ liệu của Việt Nam.

 Ông Phan đánh giá rất cao  và ghi nhận sự hỗ trợ quý báu từ phía VBA và Viện ABAII trong việc thúc đẩy quá trình ứng dụng AI vào thực tiễn công tác hành chính tại đơn vị này. 

Các hoạt động phối hợp cụ thể, đặc biệt là các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực ứng dụng AI và các công nghệ số cho các cán bộ VPCP sẽ được hai bên thảo luận và đưa vào triển khai trong thời gian ngắn sắp tới. 

Theo Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 (Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021), mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.