Ngày 9/7/2025, tại phiên thảo luận chuyên đề “Việt Nam nâng tầm tương lai số: Từ chính sách đến hành động”, trong khuôn khổ sự kiện Techcombank Investment Summit 2025, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ tịch Công ty 1Matrix, đã có những chia sẻ về vai trò của công nghệ blockchain và tài sản số trong chiến lược phát triển kinh tế số quốc gia.
Kỳ vọng xây dựng sàn giao dịch tài sản số “hợp pháp” tại Việt Nam
Ông Phan Đức Trung nhận định, cuối năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 57‑NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/12/2024, xác định blockchain là một trong ba công nghệ trọng điểm, cùng với AI và dữ liệu lớn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng quốc gia. “Blockchain không chỉ là công nghệ, mà còn là hạ tầng cho nền kinh tế số”, ông Trung khẳng định.
Từ thực tiễn thị trường, ông Trung cho biết Việt Nam đang nằm trong nhóm dẫn đầu toàn cầu về mức độ tiếp cận tài sản số. Hiện có khoảng 17 triệu người Việt Nam nắm giữ tài sản số, xếp thứ 7 toàn cầu, tương đương 17–20% dân số, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu chỉ khoảng 5-6,5%. Ước tính, tổng lượng tiền mã hóa đổ vào thị trường Việt Nam lên đến 120 tỷ USD.

“Tài sản số, tài sản mã hóa đã chính thức được định nghĩa trong Luật Công nghiệp Công nghệ số. Việc xây dựng sàn giao dịch tài sản số ứng dụng công nghệ blockchain sẽ là bước đi quan trọng mang tính thử nghiệm, thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn nói riêng và thị trường tài chính số của Việt Nam nói chung”, ông Trung nhấn mạnh. Ông cũng kỳ vọng Luật Công nghiệp Công nghệ số, dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2026, sẽ đặt nền móng pháp lý cho sự phát triển hợp pháp và bền vững của thị trường tài sản số tại Việt Nam.
Trao đổi về vai trò của các tổ chức tiên phong trong hành trình số hóa tại Techcombank Investment Summit 2025
Tham gia phiên thảo luận còn có các lãnh đạo đến từ các cơ quan, doanh nghiệp lớn trong hệ sinh thái công nghệ và tài chính như: Đại tá Phạm Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia; ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch CTCP Chứng khoán Kỹ thương; và ông David Chan, Giám đốc Phát triển Đối tác, Boston Consulting Group điều phối phiên thảo luận.
Ông Phan Đức Trung đã cùng các chuyên gia đầu ngành trao đổi về tầm nhìn chính sách của thị trường tài sản mã hoá, cho đến vai trò của các tổ chức tiên phong trong hành trình số hóa để thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam.

Đại tá Phạm Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia chia sẻ về quá trình hoàn thiện các nền tảng dữ liệu lõi, bao gồm sàn giao dịch dữ liệu và blockchain quốc gia. Ông cho biết, Trung tâm đang hướng tới xây dựng kho dữ liệu mở phục vụ cả hành chính công lẫn doanh nghiệp, người dân, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường chủ quyền số.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), cho biết thị trường đang mở ra cơ hội với nhiều sản phẩm số mới, như chứng khoán hóa khoản vay, đồng thời nhấn mạnh việc ứng dụng AI để cá nhân hóa trải nghiệm đầu tư. Ông cũng khẳng định tài sản số mang tính không biên giới và TCBS hoàn toàn có thể phục vụ nhà đầu tư toàn cầu trong kỷ nguyên số.
Từ góc nhìn của nhà hoạch định chính sách, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin (Bộ KH&CN), khẳng định Chính phủ đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý. Luật Công nghiệp Công nghệ số và sắp tới là Luật Chuyển đổi số sẽ đóng vai trò cầu nối giữa các quy định hiện hành, tạo nên hệ sinh thái pháp lý hoàn chỉnh cho nền kinh tế số. Ông cũng nhấn mạnh việc công nhận tài sản số là “thực sao – số vậy” sẽ là tiền đề quan trọng để quản lý, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Với những bước chuyển mình cả về chính sách lẫn hạ tầng công nghệ, các chuyên gia tại diễn đàn đều đồng thuận rằng Việt Nam đang sở hữu cơ hội lớn để bứt phá, không chỉ trở thành trung tâm fintech mà còn là điểm đến đáng chú ý trong lĩnh vực WealthTech (công nghệ quản lý tài sản) và tài sản số của khu vực.