Tọa đàm về tài sản mã hoá: Kiến nghị khung pháp lý cho thị trường tỷ đô

Việc hoàn thiện khung pháp lý cho tài sản số đang trở thành yêu cầu cấp thiết khi thị trường này tiếp tục mở rộng. Các chuyên gia tại tọa đàm “Xây dựng khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số” cho rằng, cần sớm có quy định phù hợp để kiểm soát rủi ro, bảo vệ nhà đầu tư và thúc đẩy đổi mới.

Ngày 08/03/2025, tọa đàm “Xây dựng khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số” do báo Pháp Luật TPHCM tổ chức đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, luật sư và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số. Sự kiện có sự góp mặt của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM; ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA); ông Phan Quốc Tuấn, Phó trưởng Phòng Quản lý Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM; cùng ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Ứng dụng Fintech VBA, Giám đốc điều hành CTCP AlphaTrue; Ông Nguyễn Trần Minh Quân, Giám đốc pháp lý VBA, Giám đốc điều hành Công ty Krysos Trust cùng đại diện từ các Trường Đại học và Đoàn luật sư các Tỉnh/Thành phố khác.

Ông Đinh Đức Thọ - Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TPHCM phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: Báo Pháp Luật TPHCM)
Ông Đinh Đức Thọ, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TPHCM phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: Báo Pháp Luật TPHCM)

Phát biểu khai mạc, ông Đinh Đức Thọ, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TPHCM, nhấn mạnh những thách thức trong việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản mã hoá tại Việt Nam. Dẫn số liệu từ Coin Market Cap, ông cho biết hiện có khoảng 2,4 triệu loại tiền kỹ thuật số trên toàn cầu, gấp hơn 20.000 lần số lượng đồng tiền pháp định. Phần lớn trong số đó được tạo ra bởi cá nhân hoặc tổ chức thông qua thuật toán máy tính, chưa được quản lý theo các tiêu chí pháp lý cụ thể, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hoạt động đầu tư. 

Trước thực tế đó, ông Thọ cho biết, tọa đàm được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các đại biểu, chuyên gia và doanh nghiệp thảo luận về những khía cạnh thực tiễn của tài sản số và tài sản mã hoá. Mục tiêu là đưa ra những giải pháp phù hợp để xây dựng khung pháp lý vừa bảo vệ quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, vừa hạn chế rủi ro, đồng thời khai thác tối đa tiềm năng mà thị trường này có thể mang lại cho nền kinh tế.

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch VBA chia sẻ quan điểm về khung pháp lý cho tài sản mã hoá. (Ảnh: Báo Pháp Luật TPHCM)
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch VBA chia sẻ quan điểm về khung pháp lý cho tài sản mã hoá. (Ảnh: Báo Pháp Luật TPHCM)
Kinh nghiệm quốc tế và định hướng khung pháp lý cho tài sản mã hóa

Trong khuôn khổ tọa đàm, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch VBA cho rằng, nhiều quốc gia đã thành công trong việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số. Mỹ, với Sắc lệnh hành pháp số 14718, thể hiện quyết tâm trở thành trung tâm tài chính kỹ thuật số toàn cầu. Mô hình này, theo ông Trung, là một tham khảo quan trọng cho Việt Nam, đặc biệt trong việc thiết lập chính sách hỗ trợ tài sản số một cách linh hoạt và minh bạch.

Thái Lan cũng đã có những bước đi tiên phong trong việc triển khai các khu thử nghiệm tài sản mã hóa và xây dựng hệ thống giao dịch tài sản số dựa trên công nghệ sổ cái phân tán (DLT). Chính sách này nhằm thúc đẩy sự ứng dụng tài sản số trong nền kinh tế thực, đặc biệt trong các lĩnh vực như du lịch và chứng khoán.

Tại Việt Nam, thị trường tài sản mã hóa tiếp tục ghi nhận sự phát triển đáng kể. Theo báo cáo từ Triple A, số người sở hữu tài sản mã hóa tại Việt Nam năm 2024 đạt 17 triệu, xếp thứ 7 toàn cầu. Dữ liệu từ Chainalysis cho thấy, giá trị giao dịch tài sản số trong năm 2024 đạt 105 tỷ USD, giảm so với mức 120 tỷ USD của năm 2023. Dù có sự sụt giảm, quy mô thị trường vẫn ở mức cao, cho thấy tiềm năng phát triển lớn. Ông Trung nhận định, nếu không có những bước đi kịp thời, Việt Nam có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát triển tài sản số.

Sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu cũng là một tín hiệu tích cực. Các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết số 98/2023/QH15 và Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội, cùng với các chính sách thử nghiệm có kiểm soát tại TPHCM và TP. Đà Nẵng, đang mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển của tài sản số tại Việt Nam. Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số hiện tại cũng đã đi đúng hướng, đặt nền tảng cho nền kinh tế số.

Ông Trung cũng nhấn mạnh rằng việc xây dựng sàn giao dịch thí điểm cho tài sản mã hoá là một bước đi quan trọng để minh bạch hóa thị trường, mở rộng kênh huy động vốn và tạo cơ hội đầu tư mới. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng để sàn giao dịch hoạt động hiệu quả, cần đảm bảo bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời tuân thủ các quy định về phòng chống rửa tiền (AML/CFT) và báo cáo thuế.

Các chuyên gia, đại biểu thảo luận sôi nổi về khung pháp lý cho tài sản mã hoá. (Ảnh: Báo Pháp Luật TPHCM)
Các chuyên gia, đại biểu thảo luận sôi nổi về khung pháp lý cho tài sản mã hoá. (Ảnh: Báo Pháp Luật TPHCM)

Bên cạnh đó, ông Trần Huyền Dinh, cho rằng Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia đã thiết lập khung pháp lý cho tài sản số. Ông đề cập đến sự khác biệt giữa sàn giao dịch tập trung và phi tập trung, cũng như tác động của chúng đến việc bảo vệ tài sản của người dùng. Một số quốc gia như Thái Lan yêu cầu giám đốc điều hành của sàn giao dịch phải là công dân địa phương nhằm tận dụng nguồn nhân lực trong nước và kiểm soát dòng vốn đầu tư.

Theo ông Dinh, Việt Nam có thể cân nhắc mô hình này để hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nội địa. “Quy định về nhân sự lãnh đạo có thể giúp thị trường vận hành minh bạch và phù hợp với bối cảnh trong nước,” ông nói.

Ngoài ra, ông Nguyễn Trần Minh Quân cũng góp ý rằng quá trình nghiên cứu luật cần liên tục cập nhật các quy định quốc tế để đảm bảo sự phù hợp với xu hướng toàn cầu. Ông nhấn mạnh, các nội dung liên quan đến kiểm toán và luật chống rửa tiền cần được xem xét chặt chẽ để tăng cường tính minh bạch và an toàn trong giao dịch tài sản số.

Việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng không chỉ giúp kiểm soát rủi ro mà còn tạo nền tảng để thị trường tài sản mã hoá phát triển bền vững. Trên cơ sở các ý kiến trao đổi tại tọa đàm, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp và kiến nghị các giải pháp tới các Bộ, ngành chức năng, nhằm định hình hành lang pháp lý phù hợp, cân bằng giữa quản lý chặt chẽ và thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực này.

Bài viết liên quan:

Xây dựng khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số: Thách thức và cơ hội tại Việt Nam

Từ tầm nhìn đến hành động, cần tăng tốc trong kỷ nguyên số