Token hóa tài sản thực: Cơ hội cho Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0

“Tài sản thực được token hóa (RWA) mở ra cánh cửa mới cho việc tích hợp những lợi thế vượt trội của công nghệ blockchain vào các tài sản truyền thống, vốn thường bị hạn chế bởi biên giới quốc gia và thời gian giao dịch,” ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo phát triển nhân lực và đào tạo công nghệ tài chính ngày 27/9/2024.

Theo ước tính của Boston Consulting Group, đến năm 2030, tổng giá trị tài sản thực được token hóa (RWA) có thể chiếm tới 10% GDP toàn cầu, tương đương 16.000 tỷ USD. Thậm chí, dự báo từ ngân hàng Standard Chartered còn đưa ra viễn cảnh triển vọng hơn khi cho rằng đến năm 2034, tổng thị trường tài sản token hoá sẽ chạm ngưỡng 30.000 tỷ USD. 

Token hóa tài sản thực ước tính chiếm 10% GDP toàn cầu vào năm 2030.
Tổng giá trị tài sản thực được token hoá tính đến năm 2030 ước tính chiếm 10% GDP toàn cầu, theo Boston Consulting Group

Ngày 27/9/2024, ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đã tham dự và trình bày tại “Hội thảo phát triển nhân lực và đào tạo công nghệ tài chính” do Trường Đại học Công nghệ Thông tin & Truyền thông Việt Hàn – Đại học Đà Nẵng tổ chức. Tại hội thảo, ông Dinh nhấn mạnh vai trò quan trọng của RWA, một xu hướng mang tính cách mạng trong việc kết nối tài chính truyền thống và công nghệ blockchain. 

RWA là quá trình số hóa các tài sản hữu hình như bất động sản, hàng hóa, nghệ thuật, hoặc kim loại quý, đưa chúng vào hệ sinh thái blockchain, giúp tăng tính thanh khoản, khả năng giao dịch toàn cầu và tính minh bạch. Với những tiềm năng mà RWA mang lại, tương lai của Fintech Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc nắm bắt công nghệ này, từ đó thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính thế giới. 

Theo các định nghĩa mới nhất về Tài sản số, RWA là một trong 4 hợp phần tạo nên tài sản số nói chung, cùng 3 loại hình tài sản khác là Tài sản mã hóa (Crypto assets), Tài sản ảo (Virtual assets) và Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC). 

Các hợp phần tạo nên tài sản số.
Các hợp phần tạo nên tài sản số theo thông lệ quốc tế

Trong đó, nếu như Tài sản mã hóa và tài sản ảo có thể không được đảm bảo giá trị từ tài sản thực còn CDBC do Ngân hàng Trung ương giữ toàn quyền phát hành thì RWA lại có nhiều ưu điểm vượt trội: Được đảm bảo giá trị bởi tài sản thực kết hợp với tốc độ giao dịch nhanh chóng, xuyên biên giới của công nghệ blockchain và có thể được phát hành bởi các định chế tài chính khác nhau nên có sự linh hoạt, đa dạng hơn. 

Ngoài ra, RWA giúp nâng cao tính minh bạch của tài sản, tăng khả năng thanh khoản ở phạm vi toàn cầu, chi phí giao dịch thấp và giúp các nhà đầu tư dễ dàng đa dạng hóa danh mục đầu tư. 

Cụ thể, bản chất của RWA là các tài sản thực (bất động sản, hàng hóa, tác phẩm nghệ thuật,…) đã được chứng minh về giá trị, được token hóa và đưa lên mạng blockchain nên được đảm bảo giá trị, giúp các nhà đầu tư yên tâm khi lựa chọn loại hình tài sản này. 

Tốc độ giao dịch nhanh chóng, gần như ngay lập tức, không hạn chế thời gian, không gian giao dịch là ưu thế vượt trội của các tài sản RWA, giúp các cá nhân, tổ chức tài chính có thể giao dịch tức thì, xuyên biên giới thay vì chờ đợi theo các quy định T+2 như hiện nay. Việc được mở rộng phạm vi giao dịch trên toàn cầu cũng giúp RWA tăng khả năng thanh toản cho các loại tài sản hiện hữu, không còn bị bó hẹp bởi biên giới quốc gia hay múi giờ hoạt động. 

Ông Trần Huyền Dinh trình bày về RWA tại hội thảo phát triển nhân lực.
Ông Trần Huyền Dinh trình bày về những ưu điểm của RWA so với các công nghệ trước đó.

Về tính đa dạng của các tổ chức phát hành, RWA hiện được tin tưởng, thử nghiệm và phát hành bởi nhiều định chế tài chính lớn như Ngân hàng Đầu tư châu Âu đã phát hành trái phiếu được token hóa trên các nền tảng do HSBC, Goldman Sách và các tổ chức khác cung cấp. Ngân hàng JPMorgan cho biết, trong năm 2023, nền tảng Onyx của họ đã giúp thực hiện hơn 300 tỷ USD hợp đồng mua lại trong ngày. 

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thị trường token hóa sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tiềm năng đạt quy mô hàng nghìn tỷ USD trong tương lai. Tuy nhiên, để RWA phát triển tại Việt Nam, cần phải có những điều chỉnh chính sách phù hợp. Sự thiếu hụt khung pháp lý về quyền sở hữu, phát hành và giao dịch tài sản mã hóa đang là thách thức lớn, khiến các nhà đầu tư lo ngại về rủi ro pháp lý.

Tại hội thảo, ông Dinh cũng chia sẻ về nền tảng MasterTeck được phát triển bởi Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII. Đây là nền tảng giáo dục trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam về lĩnh vực Blockchain và AI, với hơn 300 khóa học đa dạng, tập trung vào 24 ngành nghề “hot” với tiềm năng thu nhập cao.

MasterTeck nổi bật với đội ngũ giảng viên chất lượng gồm hơn 120 chuyên gia đầu ngành từ trong và ngoài nước. Hệ thống chứng chỉ quốc tế danh tiếng như CompTIA, EC-Council và PECB được cấp song song dưới hai hình thức truyền thống và NFT, từ đó mang lại tính minh bạch toàn cầu và kết nối trực tiếp với hồ sơ LinkedIn của từng học viên.

MasterTeck phổ cập kiến thức Blockchain và AI tới học viên.
MasterTeck là nền tảng học tập hàng đầu giúp phổ cập kiến thức Blockchain và AI tới học viên

Hội thảo phát triển nhân lực và đào tạo công nghệ tài chính do Trường Đại học Công nghệ Thông tin & Truyền thông Việt Hàn – Đại học Đà Nẵng tổ chức đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức và chuyên gia đầu ngành. Sự kiện có sự hiện diện của đại diện Chính quyền TP. Đà Nẵng, đại diện từ tập đoàn công nghệ tài chính Hanwha Hàn Quốc, Giáo sư đến từ Đại học La Trobe (Australia), cùng đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Hội thảo đã mang đến những giải pháp và định hướng mới cho sự phát triển của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam.