Vai trò của Hiệp hội Blockchain Việt Nam trong bối cảnh công nghệ quốc tế

Quá trình phát triển vũ bão của công nghệ blockchain trong những năm gần đây đã tạo điều kiện cho sự ra đời của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA – Vietnam Blockchain Association) như cầu nối giữa các chuyên gia, kỹ sư trong ngành và những người quan tâm đến chuyển đổi số 4.0. Hòa chung với dòng chảy hội nhập công nghệ và phát triển bền vững, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đặt mục tiêu tăng cường hợp tác quốc tế, phát huy vai trò và vị thế của mình trong lĩnh vực blockchain, đưa ngành blockchain Việt Nam sớm bắt kịp với khu vực và thế giới.

Mục tiêu, vai trò của một số tổ chức Blockchain trên thế giới

Từ năm 2014, các hiệp hội blockchain đã được thành lập ở nhiều quốc gia trên thế giới với mục tiêu quảng bá công nghệ sổ cái điện tử phân tán và phương thức ứng dụng công nghệ này vào các lĩnh vực cụ thể. Nhưng trong những năm gần đây, khi blockchain bắt đầu được công nhận rộng rãi, mô hình hiệp hội mới thực sự trở thành xu thế, dẫn đến sự ra đời của hàng loạt các tổ chức blockchain từ Đông sang Tây.

Tại khu vực Đông Nam Á, có thể kể đến Hiệp hội Blockchain Singapore (BAS). Thành lập từ năm 2018, BAS theo đuổi sứ mệnh trao quyền cho các thành viên và cộng đồng tận dụng công nghệ blockchain cho mục đích tăng trưởng và chuyển đổi kinh doanh. Hiệp hội mong muốn trở thành nền tảng hiệu quả cho các hội viên cùng các bên liên quan (khu vực và quốc tế) tìm ra và thúc đẩy các giải pháp Blockchain theo phương thức hợp tác, cởi mở và minh bạch. Hiệp hội cũng là nơi phổ cập kiến thức về blockchain, hướng tới xây dựng một nguồn nhân lực blockchain mạnh mẽ để phục vụ nền kinh tế kỹ thuật số của “đảo quốc sư tử”. Ta cũng có các hiệp hội đáng chú ý khác như Hiệp hội Blockchain Malaysia (MBA), Hiệp hội Blockchain Philippines (PBA) và Indonesia (ABI)…

Xét trên toàn châu Á, ba cường quốc Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đặc biệt nổi trội với số lượng tổ chức blockchain hoạt động sôi nổi từ rất sớm, có hoặc không có tư cách pháp nhân, sớm nhất là Hiệp hội Blockchain Nhật Bản (JBA) thành lập từ tháng 9.2014, sau đó là các Liên minh Blockchain ở Trung Quốc như China Ledger Alliance, Asia Blockchain Alliance (ABA) ở Đài Loan, hay Hiệp hội Blockchain Hàn Quốc (KBA). Mục tiêu chung của các tổ chức này là phổ cập kiến thức về Blockchain, cách ứng dụng Blockchain cho các doanh nghiệp truyền thống tại khu vực này, cung cấp cho hội viên một diễn đàn để bày tỏ ý kiến, trao đổi thông tin liên quan đến blockchain. Tại các khu tự trị của Trung Quốc, ta có Hiệp hội Blockchain Hong Kong (BCAHK) ra đời vào tháng 2.2021, với các mục tiêu cốt lõi bao gồm thúc đẩy, hỗ trợ lợi ích của cộng đồng blockchain trong khu vực Hong Kong, Macau và khu vực Vịnh lớn Quảng Đông – Hong Kong – Macau.

Khác với tôn chỉ và sứ mệnh của các hiệp hội Blockchain đang hoạt động ở châu Á, Hiệp hội Blockchain châu u (EBA) thành lập với mục đích hỗ trợ các tập đoàn, công ty khởi nghiệp, các nhà đầu tư mạo hiểm (venture capitalist) cũng như các viện khoa học châu u ứng dụng, đồng bộ hóa và thúc đẩy hoạt động liên quan đến blockchain. Theo đó, EBA định vị vai trò của mình như một cơ quan trung lập có nhiệm vụ tổng hợp, điều phối các hoạt động Blockchain trên khắp châu u, cung cấp một giao diện lập trình ứng dụng (API) cho những quốc gia nằm ngoài châu u tiếp cận hệ sinh thái blockchain của cựu lục địa.

Mục tiêu, vai trò của Hiệp hội Blockchain Việt Nam trong câu chuyện chuyển đổi số quốc gia

Thời gian qua, Việt Nam đã chứng kiến sự du nhập và phát triển nhanh chóng của công nghệ blockchain. Khi số doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và kỹ sư theo đuổi công nghệ blockchain ngày càng tăng cao, nhu cầu kết nối, hợp tác, chia sẻ và hỗ trợ ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, các hội nhóm Blockchain ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, rời rạc, chưa có sự định hướng phát triển vì mục tiêu chung. Vì vậy, một tổ chức chính thức có đầy đủ pháp nhân để đáp ứng tốc độ mở rộng và mục tiêu phát triển vững mạnh của cộng đồng blockchain Việt Nam là hết sức cần thiết.

Hiệp hội Blockchain Việt Nam thành lập theo Quyết định số 343/QĐ-BNV được Bộ Nội vụ phê duyệt ngày 27/04/2022, trở thành tổ chức có pháp nhân chính thức đầu tiên đại diện cho những người quan tâm đến ngành công nghiệp blockchain trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Ra đời vào thời điểm ngành blockchain đang là “điểm nóng” của cuộc thảo luận về chuyển đổi số quốc gia, thu hút sự quan tâm từ dư luận trong nước, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã công bố tôn chỉ và phương hướng hoạt động tại Đại hội lần thứ I diễn ra vào ngày 16/5/2022, bao gồm:

– Phát triển Hội viên: Hiệp hội sẽ là cầu nối tập hợp, kết nối các hội viên là các cá nhân và tổ chức cùng hoạt động trong lĩnh vực blockchain để hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm tham gia phát triển lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Hiệp hội.

– Xây dựng tiêu chuẩn Hội viên: Hiệp hội sẽ xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi quy tắc đạo đức hành nghề nhằm tạo ra các hành vi, ứng xử phù hợp với pháp luật và kỳ vọng xã hội; từ đó giúp thay đổi tích cực chất lượng sản phẩm – dịch vụ, hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các hội viên, phòng chống cạnh tranh không lành mạnh và mở rộng thị trường.

– Thúc đẩy phổ biến kiến thức: Hiệp hội có nhiệm vụ phổ biến, bồi dưỡng kiến thức, thông tin về quy định pháp luật cho hội viên, hướng dẫn, khuyến khích hội viên tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước và Điều lệ, quy chế, quy định của Hiệp hội.

– Hợp tác thúc đẩy ứng dụng: Hợp tác, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp công nghệ, nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu blockchain để thực hiện các hoạt động có liên quan đến Hiệp hội như tổ chức nghiên cứu, đào tạo, dạy nghề; thúc đẩy, nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và kỹ thuật trong ứng dụng blockchain tại Việt Nam và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật theo tầm nhìn, sứ mệnh, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

– Tham gia các ý kiến về chính sách: Đại diện hội viên tham gia, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật.

– Hợp tác quốc tế: Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội.

Nhìn chung, mục tiêu, vai trò của Hiệp hội Blockchain Việt Nam khá tương đồng so với các hiệp hội Blockchain tại châu Á, do sự tương cận về phông nền văn hóa và điều kiện phát triển. Tuy nhiên, do được học hỏi từ kinh nghiệm của các tổ chức đi trước, Hiệp hội Blockchain Việt Nam có sự mở rộng và nhìn rõ hơn mục tiêu phát triển.

Ngay từ khi mới thành lập, một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà Hiệp hội đặt ra là góp phần tham gia các ý kiến về chính sách liên quan đến blockchain, đối thoại cùng các cơ quan có thẩm quyền, điều này tạo nên điểm khác biệt của Hiệp hội Blockchain Việt Nam khi đặt cạnh một số tổ chức trong khu vực.