Chiều ngày 29.8, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) hân hạnh đón tiếp các đại diện từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đến tham quan và làm việc tại văn phòng TP. Hồ Chí Minh, tọa lạc ở tòa nhà Diamond Plaza, quận 1.
Trong chuyến viếng thăm văn phòng Hiệp hội, đại diện Ủy ban Kinh tế gồm có ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bà Phạm Hồng Hạnh – chuyên viên chính Vụ Kinh tế.
Tại đây, ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã giới thiệu hành trình thành lập Hiệp hội qua các mốc thời gian quan trọng, từ lúc Diễn đàn Phổ cập Blockchain ra đời vào tháng 5.2021 trong thời điểm đại dịch cho đến khi Hiệp hội chính thức ra mắt vào tháng 5.2022, tròn một năm với nhiều nỗ lực từ ban vận động, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ.
Đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và ban lãnh đạo Hiệp hội Blockchain Việt Nam
có buổi gặp gỡ tại văn phòng TP.HCM
Ông Phan Đức Trung báo cáo trước đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội về chiến lược hành động và các sự kiện đã được triển khai trong vòng 3 tháng kể từ lúc thành lập, đồng thời điểm qua các mục tiêu, sứ mệnh, vai trò của Hiệp hội song hành cùng kế hoạch phát triển kinh tế số – xã hội số của toàn đất nước.
Chính sách đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ
Trong cương vị đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu đặc biệt quan tâm đến mục tiêu thúc đẩy chính sách về blockchain trong số 6 mục tiêu của Hiệp hội và đặt câu hỏi tại sao cần có chính sách thì mới ứng dụng được blockchain.
Đại diện VBA cho biết chính sách sẽ cực kỳ cần thiết trong việc thanh toán xuyên biên giới vì hoạt động này dễ làm nảy sinh nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố. Một số nước ASEAN đã có động thái thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới song song với thiết lập các tiêu chuẩn chống rửa tiền. Hơn nữa, nhờ blockchain, thanh toán xuyên biên giới sẽ đạt được chi phí rất thấp, giúp nhiều đối tượng tiếp cận dịch vụ ngân hàng thông qua giao thức P2P. Những thuận lợi đó sẽ góp phần vào việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và phát hành tiền số pháp định (CBDC). Ngân hàng trung ương sẽ có vai trò chủ chốt trong vận hành hệ thống CBDC, các công ty công nghệ tham gia vào xây dựng, bảo trì hệ thống. Khi đó, các ngân hàng có thể giao tiếp với nhau mà không cần mã SWIFT.
“Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm đến việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Luôn mong muốn xây dựng chính sách ít nhất là ngang bằng với khu vực, cao hơn là tiệm cận với xu thế chung của thế giới. Để tạo ra những đột phá trong ứng dụng khoa học công nghệ thì rất cần sự kiến nghị chính sách cụ thể từ các Hiệp hội nói chung và Hiệp hội blockchain nói riêng tham vấn”, ông Hiếu chia sẻ tại buổi gặp.
Tạo môi trường cởi mở cho startup Việt
Khi nhiều startup Việt Nam “mang chuông đi đánh xứ người” dễ gặp rủi ro trong môi trường quốc tế thì cần có một môi trường cởi mở, thuận lợi cho các startup, ứng dụng công nghệ trong các hoạt động kinh doanh để góp phần gia tăng hiệu quả, mở rộng cơ hội cho người dùng. Bên cạnh đó, vấn đề dữ liệu cá nhân trên các nền tảng thương mại điện tử cũng là điều mà ông Hiếu quan tâm và muốn nhìn thấy blockchain giải quyết bài toán này.
Nhân buổi gặp gỡ tại Hồ Chí Minh, đại diện Uỷ Ban Kinh tế và ban lãnh đạo Hiệp hội Blockchain Việt Nam có dịp tham quan văn phòng Metaverse tại công ty Whydah – cung cấp giải pháp blockchain cho nhà phát triển game và nghe giới thiệu về những dự án tiềm năng liên quan đến chạy bộ trên không gian ảo, thời trang số. Với thiết kế mô phỏng không gian phi thuyền vũ trụ, đây là một trong những văn phòng đầu tiên tại Việt Nam lấy cảm hứng từ Metaverse.
Đại diện Uỷ Ban Kinh tế cũng bày tỏ hy vọng có một diễn đàn để nâng cao nhận thức, đào tạo hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số, như một trong những mục tiêu mà Hiệp hội đề ra. Đồng thời, trước mắt vẫn cần những bước đi cụ thể cho việc ứng dụng blockchain và sự tham vấn chuyên môn từ Hiệp hội để xây dựng chính sách.
“Blockchain sẽ tạo ra nền kinh tế mới phi tập trung, hoàn toàn không giống trước đây. Các startup Việt Nam hiện giờ có xu hướng nhắm đến thị trường quốc tế. Nếu chính phủ Việt Nam không tham gia, không tạo cơ hội cho họ thì sẽ đứng ngoài. Đây là cơ hội để Việt Nam bắt kịp và dẫn đầu”, đại diện VBA chia sẻ thêm.