Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam tiết lộ, việc ứng dụng AI đã giúp giảm 50% quỹ lương và chỉ sử dụng 30% nhân sự so với kế hoạch ban đầu của một công ty. Một số công việc từng mất hai tuần để xử lý, nay có thể hoàn thành trong ba ngày, thậm chí ba giờ nếu được hỗ trợ bởi AI. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho thế hệ lao động mới.
Đây là số liệu được ông Phan Đức Trung đưa ra tại tọa đàm “Nhân lực số và chìa khóa thành công trong kỷ nguyên AI” trong khuôn khổ Ngày hội việc làm HUB 2025 do Trường Đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức ngày 18/5/2025. Tọa đàm thu hút gần 500 sinh viên tham dự và trao đổi cùng các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp. Chương trình được xem là một trong những hoạt động trọng điểm nhằm kết nối sinh viên với thị trường lao động, đồng thời trang bị kiến thức thực tiễn và tư duy công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng.

AI vừa là thách thức, vừa là cơ hội
Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, cho biết nhà trường chủ trương không chỉ đào tạo theo nhu cầu xã hội mà còn định hướng các xu thế phát triển trong tương lai. Từ năm 2019-2021, trường đã triển khai đào tạo các ngành như Trí tuệ nhân tạo, Fintech, Blockchain và Khoa học dữ liệu – những lĩnh vực được đánh giá là then chốt trong chuyển đổi số. Song song với hoạt động đào tạo, nhà trường tập trung xây dựng hệ sinh thái giáo dục gắn kết với doanh nghiệp, tổ chức tài chính và công nghệ, qua đó thúc đẩy hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng thực tiễn, hướng đến phát triển nguồn nhân lực toàn diện cho nền kinh tế số.
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho rằng công nghệ đang định hình lại toàn bộ cấu trúc thị trường lao động. Sự phát triển mạnh mẽ của AI và blockchain đang thúc đẩy quá trình tái cấu trúc mô hình vận hành doanh nghiệp, đồng thời đặt ra yêu cầu mới về năng lực của người lao động. Trong môi trường đó, hiểu biết công nghệ không còn là lợi thế cạnh tranh, mà đã trở thành điều kiện cơ bản để tham gia và phát triển. Dẫn chứng từ thực tiễn, ông cho biết tại Công ty CP 1Matrix việc ứng dụng AI đã giúp giảm 50% quỹ lương và chỉ sử dụng 30% nhân sự so với kế hoạch ban đầu. Một số công việc từng mất hai tuần để xử lý, nay có thể hoàn thành trong ba ngày, thậm chí ba giờ nếu được hỗ trợ bởi AI. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho thế hệ lao động mới.

96% ngân hàng trong khu vực đã ứng dụng AI ở mức độ nâng cao
Những nhận định của các chuyên gia không chỉ phản ánh xu hướng mà còn được củng cố bởi các kết quả nghiên cứu từ thực tế. Một khảo sát do Microsoft và LinkedIn thực hiện cho thấy 66% doanh nghiệp tham gia cho biết sẽ không tuyển dụng ứng viên thiếu kỹ năng liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Dữ liệu này phản ánh rõ sự thay đổi trong tiêu chí tuyển dụng, khi năng lực công nghệ đang dần chiếm vị trí trung tâm trong quá trình đánh giá nhân sự. Với nhóm sinh viên và những người mới gia nhập thị trường lao động, yêu cầu này đặt ra thách thức lớn nhưng cũng mở ra cơ hội phát triển mới, nếu được chuẩn bị đúng hướng và tiếp cận kịp thời với các công nghệ nền tảng.
Dưới góc nhìn một tổ chức tài chính, bà Chu Hồng Hạnh, Giám đốc phòng Sáng tạo của Ngân hàng TMCP Á Châu, cho biết khi tham dự Singapore FinTech Festival, bà nhận thấy có khoảng 96% ngân hàng trong khu vực đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở mức độ nâng cao, không còn dừng ở các công cụ hỗ trợ cơ bản mà đã tích hợp sâu vào quy trình vận hành và cá nhân hóa dịch vụ. Theo bà, đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy AI đang tái định hình hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng và làm thay đổi yêu cầu đối với thị trường lao động nói chung. Trong bối cảnh đó, nhà tuyển dụng không chỉ đánh giá năng lực chuyên môn mà còn đặt trọng tâm vào khả năng sử dụng hiệu quả các công cụ số. Với sinh viên, các nền tảng như ChatGPT cần được xem là kỹ năng cơ bản mới, tương đương Word hay Excel trước đây.

Tọa đàm “Nhân lực số và Chìa khóa thành công trong kỷ nguyên AI” là một trong những hoạt động cụ thể thể hiện sự tham gia của Hiệp hội Blockchain Việt Nam trong quá trình hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực công nghệ. Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sự kết nối giữa nhà trường, tổ chức nghề nghiệp và khối doanh nghiệp được xem là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực thích ứng và cạnh tranh cho lực lượng lao động trẻ.
Đọc thêm: