Ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Công nghệ Tài chính (Fintech) của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã tham gia thảo luận chủ đề hợp tác khu vực trong tuân thủ xác thực danh tính và phòng chống rửa tiền (KYC/AML) tại diễn đàn về Fintech hàng đầu Money20/20 Asia 2025.
Sự kiện Money20/20 Asia 2025 được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan trong hai ngày 23-24/4/2025, được đánh giá là một trong những diễn đàn hàng đầu về công nghệ tài chính tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Money20/20 Asia 2025 thu hút hơn 4.000 người tham dự và hơn 250 diễn giả đến từ 85 quốc gia. Sự kiện tập trung vào các vấn đề trọng điểm như fintech, thanh toán, tài sản mã hoá, ngân hàng số và đổi mới công nghệ, nhằm thúc đẩy hợp tác và định hình tương lai của ngành tài chính số.

Trong khuôn khổ sự kiện, ông Trần Huyền Dinh tham gia phiên thảo luận kín với chủ đề “Xây dựng khuôn khổ hợp tác KYC/AML xuyên biên giới tại Châu Á”, cùng đại diện các tổ chức như Hiệp hội Blockchain Châu Á, Hiệp hội Công nghệ Tài chính Hồng Kông, Hiệp hội Công nghệ Tài chính Thái Lan, Liên minh Công nghệ Tài chính Châu Á và nhiều tổ chức fintech, blockchain khác trong khu vực. Phiên thảo luận là diễn đàn quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các bên, đồng thời tìm kiếm giải pháp cho những thách thức chung về tuân thủ quy định phòng chống rửa tiền (AML) và xác minh danh tính (KYC), trong bối cảnh các giao dịch số xuyên biên giới ngày càng gia tăng.
Tại phiên thảo luận, ông Trần Huyền Dinh chia sẻ về những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến tài sản mã hoá và công tác KYC/AML. Theo báo cáo của Chainalysis (2024), Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ giao dịch tiền điện tử cao, với dòng vốn ước tính hơn 100 tỷ USD mỗi năm. Mặc dù sở hữu tiềm năng phát triển lớn, nhưng việc thiếu hành lang pháp lý đầy đủ đã và đang tạo ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý và đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Dinh nhấn mạnh việc Việt Nam bị đưa vào danh sách giám sát tăng cường (danh sách xám) của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính quốc tế (FATF) từ tháng 2 năm 2023 đã phát sinh những rào cản đáng kể đối với hoạt động giao dịch quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT). Ông cho biết, Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của FATF, với mục tiêu sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này.
“Xuất phát từ bối cảnh khung pháp lý tại Việt Nam chưa được hoàn thiện nên việc tiếp cận các mô hình thực thi KYC/AML hiệu quả từ khu vực là yếu tố then chốt để đảm bảo vừa tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, vừa duy trì môi trường tài chính số cởi mở và an toàn”, ông Dinh nhận định.

Đại diện các tổ chức trong khu vực đánh giá cao những chia sẻ thực tiễn của ông Trần Huyền Dinh về những khó khăn trong việc áp dụng KYC/AML đối với tài sản mã hoá và giao dịch xuyên biên giới tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, các đại biểu khuyến nghị Việt Nam cần chủ động tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực, đồng thời tham khảo kinh nghiệm từ những mô hình quản lý hiệu quả tại các quốc gia có hệ sinh thái fintech phát triển. Tiếp cận các sáng kiến thực tiễn được xem là giải pháp thiết thực để vừa đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn toàn cầu, vừa tạo điều kiện cho sự phát triển linh hoạt và bền vững của lĩnh vực tài chính số.
Việc thúc đẩy hợp tác khu vực và tiếp cận các sáng kiến quốc tế về KYC/AML là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực quản lý và đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Với vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp và cập nhật xu hướng công nghệ, Hiệp hội Blockchain Việt Nam tiếp tục đồng hành trong quá trình xây dựng hệ sinh thái tài chính số minh bạch, an toàn và phát triển bền vững. Sự kết hợp giữa công nghệ, chính sách và hợp tác quốc tế sẽ mở ra cơ hội mới, giúp Việt Nam từng bước vượt qua thách thức và khẳng định vị thế trong lĩnh vực fintech và blockchain khu vực cũng như toàn cầu.
Đọc thêm: