Với hơn 20 triệu người Việt sở hữu tài sản mã hóa và dòng vốn 120 tỷ USD đổ vào Việt Nam, thông qua Sự kiện WOW Summit 2024, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã giới thiệu chiến lược “From global to local” và mô hình sandbox, nhằm thu hút đầu tư quốc tế và thúc đẩy ứng dụng blockchain vào đời sống.
Ngày 12/11/2024, ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam, tham dự hội nghị quốc tế WOW Summit 2024 tại Bangkok, Thái Lan. Với hơn 7.000 người tham dự và 150 diễn giả từ 30 quốc gia, sự kiện là cơ hội để các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi, tìm kiếm hợp tác trong lĩnh vực Web3, AI, fintech và blockchain.
Trong phiên thảo luận “Đổi mới thanh toán xuyên biên giới thông qua nghiên cứu và hợp tác quốc tế” diễn ra tại sự kiện, ông Dinh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp lý toàn cầu đối với sự phát triển bền vững của công nghệ chuỗi khối, nhất là khi công nghệ này và tài sản mã hoá ngày càng thu hút sự quan tâm trên toàn cầu. Ông cho rằng số hóa tài sản thực (RWA – Real World Assets) sẽ là chiến lược để đưa blockchain vào ứng dụng đời sống, tạo nền tảng cho các giao dịch và thanh toán quốc tế minh bạch, an toàn.
Báo cáo Chainalysis 2024 cho thấy Việt Nam xếp thứ 5 toàn cầu về mức độ chấp nhận tài sản mã hóa, với hơn 20 triệu người Việt sở hữu tài sản này, chiếm khoảng 20% dân số. Dòng vốn mã hóa vào Việt Nam trong năm qua đạt 120 tỷ USD, tương đương hơn 1/4 GDP quốc gia. Đặc biệt, hơn 85% người làm nghề tự do tại Việt Nam sở hữu tài sản mã hóa, và 34% sẵn sàng chấp nhận thanh toán bằng tài sản mã hoá, tạo nền tảng tiềm năng cho lĩnh vực công nghệ tài chính số hóa.
Nhằm đẩy mạnh vai trò của blockchain trong nền kinh tế, ngày 22/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về phát triển blockchain, đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia dẫn đầu khu vực. Ông Trần Huyền Dinh cho biết, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đang thúc đẩy hợp tác và đề xuất xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát – sandbox, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới trong môi trường an toàn trước khi triển khai rộng rãi.
Trên thế giới, mô hình sandbox đã và đang phát triển mạnh mẽ, nổi bật là chương trình của Cơ quan Quản lý Tài chính (FCA) tại Anh. Được coi là một trong những mô hình tiên phong, giúp tháo gỡ rào cản pháp lý và thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực công nghệ. Với hơn 700 công ty tham gia thử nghiệm và thu hút hơn 1,3 tỷ USD đầu tư vào các doanh nghiệp fintech và công nghệ mới, đây là mô hình mà Việt Nam có thể tham khảo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp blockchain trong nước phát triển và hội nhập quốc tế.
Trong phiên thảo luận, Ông Dinh cũng đề cập đến chiến lược “From global to local” để thu hút du khách quốc tế và nhà đầu tư đến Việt Nam, khuyến khích sử dụng dịch vụ thanh toán địa phương bằng stablecoin hoặc tài sản mã hoá. Chiến lược này không chỉ hỗ trợ kinh tế địa phương mà còn giúp Việt Nam khẳng định vị thế trong lĩnh vực công nghệ tài chính số hóa. Một minh chứng cho tiềm năng của blockchain trong thanh toán quốc tế là thỏa thuận giữa Tether và thành phố Lugano, Thụy Sĩ, cho phép Bitcoin, Tether (USDT) và token LVGA trở thành phương tiện thanh toán hợp pháp tại Lugano từ năm 2022.
Ngoài ra, ông Dinh cũng nhấn mạnh vai trò của chia sẻ dữ liệu trong bối cảnh chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT). Ông giới thiệu ChainTracer – một sáng kiến của VBA, nhằm ngăn chặn lừa đảo và tăng cường an ninh tài chính. Từ khi ra mắt năm 2022, ChainTracer đã giúp thu hồi hơn 2 triệu USD từ các vụ lừa đảo tại Việt Nam và cung cấp hơn 50 báo cáo hỗ trợ điều tra.
Tham gia cùng ông Dinh trong phiên thảo luận, các chuyên gia quốc tế cũng chia sẻ nhiều góc nhìn đa dạng về fintech và blockchain. Ông Justin Chan, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh và Quan hệ Đối tác của Viện CFA – tổ chức quốc tế phi lợi nhuận có mặt trên 160 quốc gia, nổi tiếng với Chartered Financial Analyst (CFA), một trong những chứng chỉ uy tín nhất trong ngành tài chính và đầu tư, ông Justin Chan nhận định, stablecoin là cửa ngõ quan trọng cho thanh toán xuyên biên giới, mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành tài chính quốc tế.
Bà Eowyn Chen, CEO của Trust Wallet, một trong những ví tiền điện tử hàng đầu với hơn 30 triệu người dùng hoạt động và hỗ trợ hơn 160.000 loại tài sản kỹ thuật số, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo mật trong giao dịch tài sản số. Bà Eowyn Chen chia sẻ, “sự tăng trưởng của Bitcoin đến mức đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử đã kích thích người dùng tích cực hơn trong việc sử dụng các ứng dụng on-chain”.
Ông Jason Brink, Chủ tịch của LFG Incorporated, công ty hỗ trợ phát triển và tiếp thị cho các dự án phi tập trung trong lĩnh vực Web3, đánh giá luật pháp tại Mỹ về tài sản mã hoá còn chậm và nhiều hạn chế. Ông Jason Brink cho rằng những hạn chế này đang giới hạn sự phát triển của tài sản mã hoá tại Mỹ, khiến nhiều doanh nhân Mỹ chuyển sang các nước khác để phát triển mạnh mẽ hơn.
Sự hiện diện của Hiệp hội Blockchain Việt Nam tại WOW Summit 2024 không chỉ khẳng định vị thế quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực blockchain mà còn mở ra cơ hội kết nối, thu hút đầu tư và thúc đẩy ứng dụng blockchain trong đời sống, hỗ trợ doanh nghiệp và hội viên tham gia vào các dự án công nghệ toàn cầu.
Tại WOW Summit 2024, ông Trần Huyền Dinh, đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), đã ký Biên bản Ghi nhớ (MOU) hợp tác với WOW Summit Hong Kong. Thỏa thuận này nhằm tăng cường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác blockchain giữa Việt Nam và cộng đồng toàn cầu. Sự hợp tác này không chỉ khẳng định vai trò của VBA trong việc kết nối doanh nghiệp Việt với thị trường quốc tế mà còn mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp, hội viên Việt Nam tham gia sâu rộng vào các dự án công nghệ toàn cầu. |